Việc nhận thức đúng những giá trị của đạo Mẫu Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn, từ đó xác định thái độ của các tín hữu đạo Mẫu, của những người quản lý xã hội và người dân đối với di sản văn hóa tinh thần này.
Có thể nêu một số giá trị tiêu biểu như: “Mẹ tự nhiên”, một thế giới quan cổ xưa của người Việt; Hướng con người đến thái độ sống hòa hợp, hòa nhập, khiến cho đạo Mẫu trở thành biểu tượng đa văn hóa tộc người; “Lên đồng” là một nghi lễ quan trọng bậc nhất của đạo Mẫu, là một hình thức diễn xướng tâm linh, một “bảo tàng sống” của văn hóa dân tộc Việt; Xác lập một nhân sinh quan tín ngưỡng của người Việt hướng về đời sống trần thế, đó là cầu mong sức khỏe, tiền tài, phúc lộc; Đạo Mẫu là một thứ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa.
Nhân sinh quan tín ngưỡng
Khác với nhiều tôn giáo tín ngưỡng, dù đó là Phật giáo, Kitô giáo, đạo Mẫu không hướng chính con người và niềm tin của con người về thế giới sau khi chết, mà là thế giới hiện tại, thế giới mà con người cần phải có sức khỏe, có tiền tài và quan lộc. Đó là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm “hiện sinh” của con người trong thế giới hiện đại. Đây cũng là cách tư duy thể hiện tính “thực tế”, “thực dụng” của con người Việt Nam.
Chúng ta cũng khó đo đếm được có bao nhiêu con người Việt Nam tin vào sức mạnh và sự kỳ diệu của Thánh Mẫu. Chỉ biết rằng, không chỉ hàng ngày người ta đến cầu xin Thánh Mẫu, mà còn vào những dịp hội hè, lễ tiết theo chu kỳ “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” số lượt người trẩy hội đến các đền phủ tăng gấp bội để cầu mong Mẫu ban cho mình sức khỏe và tài lộc.
Trong nghiên cứu hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu lý giải được việc những người có căn số, tức là những người có những đặc tính tâm sinh lý đặc biệt, dễ bị ảnh hưởng của xã hội, nên dễ dẫn đến tình trạng rối loạn về tâm lý và hành vi, thì thường sau khi ra trình đồng đều khỏi bệnh, trở về trạng thái tâm sinh lý bình thường. Thậm chí, ngay cả với những người dù không có “căn đồng” mà chỉ để giải tỏa, giải trí trước những sức ép của nhịp sống xã hội đô thị hiện đại (dân gian gọi là đồng đua, đồng đú), thì khi lên đồng cũng giúp họ giải tỏa được những stress. Đó là tác dụng trị liệu của đạo Mẫu và Lên đồng.
Những tín đồ của đạo Mẫu, nhất là những người làm nghề kinh doanh buôn bán có một niềm tin mãnh liệt vào Thánh Mẫu, người có thể phù hộ cho họ buôn bán phát đạt. Ở đây, chúng ta khó có thể lý giải được thực sự có hay không một lực lượng siêu nhiên nào đã hỗ trợ cho họ trong việc kinh doanh buôn bán, có lẽ lúc này, niềm tin của con người giữ vai trò quyết định, có thể tạo nên sức mạnh vật chất thực sự.
Tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa
Đạo Mẫu, thông qua các ký ức, các truyền thuyết và huyền thoại, qua các nghi lễ và lễ hội đã thể hiện rõ ý thức lịch sử và ý thức xã hội của mình. Trong điện thần của đạo Mẫu, hầu hết các vị thánh đã được lịch sử hóa, tức là đều hóa thân thành những con người có danh tiếng, có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tất nhiên, trên thực tế có không ít những vị thánh thần vốn thoát thai từ các nhân vật có thật trong lịch sử, sau này được người đời tô vẽ, thần tượng lên thành các vị thần thánh, tức là các vị thần thánh có “nguyên mẫu” trong lịch sử (Trần Hưng Đạo – Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ – Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí – Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan – Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân – Thánh Mẫu Bát Nàn…). Ngoài ra còn có nhiều vị thần linh, vốn là các thiên thần hay nhiên thần, nhưng lại được người đời “nhân thần hóa” hay “lịch sử hóa”, gán cho họ có sự nghiệp, có công trạng với đất nước hay từng địa phương.
Bằng cách đó, đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, để trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, một thứ chủ nghĩa yêu nước để được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa, mà trong đó người Mẹ – Mẫu là nhân vật trung tâm ..
Chính những giá trị nhận thức, giá trị lịch sử, truyền thống, xã hội, văn hoá kể trên đã làm cho đạo Mẫu trở thành một trong những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam.
*Danh sách các vị thần gồm:
Tam Tòa Thánh Mẫu
Mẫu Thượng Thiên
Mẫu Thượng Ngàn
Mẫu Thoải
Hàng Quan
Quan đệ nhất thượng Thiên
Quan đệ nhị giám sát thượng ngàn
Quan đệ Tam Thoải Cung
Quan đệ Tứ khâm sai
Quan đệ ngũ Tuần tranh
Ngoài ra còn có Quan lớn Điều Thất, Quan Hoàng Triệu Tường
Các vị Quan hay được hầu là Quan đệ Nhất, Quan đệ Nhị, Quan đệ Tam, Quan đệ Ngũ
Hàng Chầu bà
Chầu đệ nhất thượng thiên, Chầu đệ nhị thượng ngàn, Chầu đệ tam thoải cung, Chầu đệ tứ khâm sai, Chầu năm suối Lân, Chầu Lục cung nương, Chầu Bảy Kim Giao (Chầu Bảy Tân La), Chầu Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung, Chầu Cửu Sòng Sơn, Chầu Mười Đồng Mỏ, Chầu Bé Bắc Lệ.
Các vị Chầu phổ biến hay hầu bóng gồm Chầu đệ nhị, Chầu Lục, Chầu Bát, Chầu Mười, Chầu bé
Ngoài ra còn một số vị Chầu khác cũng có hát văn, nhưng về cơ bản ít được hầu bóng, hoặc là chỉ ở một địa phương.
Hàng ông Hoàng
Hoàng Cả
Hoàng đôi Bảo Hà
Hoàng Bơ Thoải Quốc
Hoàng Tư
Hoàng Năm
Hoàng Lục Thanh Hà
Hoàng Bảy Bảo Hà
Hoàng Bát Bắc Quốc
Hoàng Chín Cờn Môn
Hoàng Mười Nghệ An
Các giá Hoàng thường ngự đồng là Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười
Hàng Cô – Cậu
Cô Nhất Thượng Thiên, Cô đôi thượng ngàn, Cô đôi Cam Đường, cô Bơ thoải cung, cô Tư Ỷ La, cô Năm Suối Lân, cô Sáu sơn trang, cô Bảy Kim Giao (Cô Bảy Tân La), cô Tám đồi chè, Cô Chín Sòng Sơn, Cô Mười Mỏ Ba, Hội đồng các cô Bé: cô Bé thượng ngàn, cô Bé Đông Cuông, cô Bé Suối Ngang,…
Cậu Cả, Cậu Đôi, cậu Bơ, Cậu hoàng bé bản đền, Cậu Bé Đồi Ngang
Hàng Ngũ Hổ ông Lốt
Tức là năm ông hổ tượng trưng ngũ hành, và Lốt (Thuồng Luồng*)
*Các trung tâm thờ mẫu tiêu biểu:
- Nam Định: có 352 di tích lịch sử – văn hoá thờ và phối thờ Mẫu; trong đó có 220 phủ, 16 miếu, 72 chùa phối thờ, 44 đền, đình thờ chung với thành hoàng làng, tiêu biểu như Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), Phủ Quảng Cung (Xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), Phủ Nấp.
- Hà Nam: có 185 di tích thờ Mẫu, tiêu biểu như: Đền Lảnh Giang (Duy Tiên), đền Trần Thương, đền Bà Vũ, đền Mẫu Cửu Tỉnh.
- Ninh Bình: có 415 di tích lịch sử văn hóa thờ và phối thờ Mẫu, tiêu biểu như: Đền Dâu, đền Quán Cháo, phủ Đồi Ngang, phủ Sòng Xanh, phủ Châu Sơn, đền Cô Đôi Thượng Ngàn, đền Vân Thị, đền Sầy, chùa Bái Đính cổ, đền Quèn Thạch, đền Thung Lá, đền Mẫu Thượng…
- Hà Nội: có 1014 di tích thờ Mẫu và 886 điện tư gia, tiêu biểu như: Phủ Tây Hồ, Đền Quan Tam Phủ, đền Rừng, đền Lừ, đền An Thọ, đền Bà Kiệu, đền Liên Hoa, Đền Sét…
- Thái Bình: Đền Tiên La thờ Chầu Bát, Đền Đồng Bằng thờ Vua Cha Bát Hải, Đền Hưng Long thờ Quan Hoàng Bơ, Đền Thánh Mẫu thờ Đinh Triều Hoàng Hậu.
- Hải Dương: Di tích đền Đoan; đền thờ quan Tam phủ, đền Mẫu The, đền mẫu Kinh Câu và đền Mẫu Sinh,…
- Hưng Yên: Đền Mẫu Hưng Yên,
- Hải Phòng: Đền thờ quan Đệ tứ.
- Vĩnh Phúc: có 60 điểm tín ngưỡng thờ Mẫu như: Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên,Chúa bà đệ nhất Tây Thiên-Đại Đình -Tam Đảo, Đền Chân Suối, Đền bà chúa thượng ngàn, Đền chúa Mán -Đông Hội, Đền Thanh Lanh.
- Bắc Giang: Đền Suối Mỡ, đền Nguyệt Hồ, đền Từ Mận, đền Đà Hy, đền Phủ.
- Phú Thọ: Đền Tam Giang, Đền thờ Tam tòa Thánh Mẫu.
- Lạng Sơn: Đền Mẫu Sơn, đền Bắc Lệ,…
- Hòa Bình: Đền Bồng Lai, đền Mẫu Thác Bờ,
- Lào Cai: Đền thờ ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà.
- Yên Bái: Đền Đông Cuông,
- Tuyên Quang: đền Ghềnh Quýt, đền Pha Lô, đền Đồng Xuân, đền Cảnh Xanh, đền Mẫu Ỷ La, đền Lương Quán, đền Mỏ Than, đền Lâm Sơn, đền Quang Kiều, đền Cấm, đền Ba Khuôn và đền Minh Lương.
- Thanh Hóa: Đền Sòng Sơn, đền Rồng, đền Nước,…
- Nghệ An: Đền thờ ông Hoàng Mười, đền Hồng Sơn, đền Cửa, đền Ngọc Điền, đền Pu Nhạ Thầu.
- Hà Tĩnh: Đền thờ ông Hoàng Mười, đền Nước Lạt, Miếu Chai (Thạch Đài), đền Văn Sơn (Thạch Đỉnh).
- Thừa Thiên Huế: Điện Hòn Chén.
- Thành phố Hồ Chí Minh: Đền Mẫu, đền Đằng Giang, đền Chầu Lục.
Trích lược; Sử ký Trầm Tâm Linh