Hội là phần mở rộng tiếp theo sau của phần lễ. Phần hội bao gồm các trò tục, trò diễn và trò chơi dân gian. Đó là phần vui chơi giải trí mang tính vui nhộn, hài hước và rất sống động.

Trên thực tế, có một sô” trò tục được tổ chức đan xen với phần lễ, ngay sau khi đã cử hành đại tế lễ trọng thể xong, như các đám rước Thần đi du ngoạn, hoặc việc rước Nước mà trong đó có cả các nghi lễ và nghi thức cùng các trò tục, diễn xướng (dân ca, dân vũ, hay dân nhạc…), để diễn tả hoặc mô phỏng lại theo thần tích, vì thế mà dân gian vẫn hay quan niệm: “trước là để thờ thần, sau là để mua vui”. 

Tuy nhìn hoặc phân chia thành hai phần như vậy, song về thực chất không hề có sự tách bạch giữa lễ và hội. Và ở mỗi lễ hội cụ thể thì “mức độ” Lễ và “mức độ” Hội cũng không hẳn như nhau… Với diện mạo hay cấu trúc của lễ hội như vậy, mà loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian này có tên gọi ghép là Lễ hội truyền thống. Tên gọi như thế, theo chúng tôi là phù hợp với nội dung và hình thức của nó vốn có từ rất lâu đời trong lịch sử văn hoá dân tộc Việt.

Trong diễn trình phát triển của mình, lễ hội luôn luôn chịu ảnh hưởng tác động qua lại của phong tục tập quán làm cơ sở nền tảng cho lễ hội tồn tại và phát triển, hay ta có thể nói rằng, phong tục tập quán là môi trường nuôi dưỡng lễ hội. Nếu nhìn từ góc độ văn hoá thì lễ hội là một bộ phận của phong tục, hoặc chính bản thân lễ hội đã mang tính phong tục khá rõ nét.

Như nhà bác học Xô Viết X. A. Tocarev đã viết: “Tất cả mọi thể chế được thiết lập có truyền thống, có ý niệm chung; và có được do sự hoạt động xã hội nào đó, những quy định truyền đời đều được gọi là “phong tục”. Thuật ngữ phong tục rất gần với khái niệm nghi lễ (Rituraỉ) và trong nhiều trường hợp hai khái niệm này cùng có ý nghĩa. Nhưng khái niệm phong tục rộng hơn so với khái niệm nghi lễ. Tất cả các nghi lễ là phong tục, nhưng không phải tất cả các phong tục là nghi lễ”

Thực tế đã chứng tỏ khi lễ hội được hình thành và phát triển lặp đi lặp lại nhiều lần vào một thời điểm cố định, thì nó đã hoà nhập vào trong phong tục tập quán, trở thành thói quen và nếp sống văn hoá dân gian của cả cộng đồng làng xã và toàn xã hội. Và ở đó lễ hội phát triển trong mối quan hệ có sự tác động qua lại với phong tục tập quán.