Cúng Giao thừa là một nghi thức mang ý nghĩa quan trọng đối với người Việt Nam vào dịp cuối năm, chuẩn bị đón mừng năm mới. Đây là dịp con cháu tỏ lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, đón ông bà về chung vui cùng con cháu cũng như cầu mong tổ tiên phù hộ xua đi những xui xẻo và mang lại những điều may mắn, thuận lợi trong năm mới.
Vì lý do đó, nghi thức cúng Giao thừa còn gọi là cúng rước ông bà. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình mà chuẩn bị mâm cơm cúng Giao thừa và đón rước ông bà có thể tổ chức vào buổi trưa hoặc buổi chiều ba mươi.
Mâm ngũ quả của các miền thường được bày biện vào thời điểm này, cũng là để chưng bày, làm đẹp nhà suốt mấy ngày Tết. Mâm ngũ quả tùy từng miền có sự khác biệt. Miền Bắc thường bày các loại trái cây như: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Miền Nam có thời tiết thuận lợi nên trái cây vào dịp tết cũng phong phú hơn. Mâm trái cây trên bàn thờ của người miền Nam bao giờ cũng có hai trái dưa hấu lớn bên bộ đèn đồng. Ngoài ra còn có đủ các loại trái cây: xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn… với nhiều màu sắc đẹp mắt.
Tuy vậy, các loại trái cây được chưng bày trên bàn thờ vào dịp này thường chú ý đến ý nghĩa hơn là số lượng. Với mong ước được no đủ suốt năm, người miền Nam sử dụng các loại trái cây như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, thơm với ý nghĩa cầu vừa đủ xài, thơm là thơm thảo tức tấm lòng thành của người dâng cúng lên các bậc tổ tiên.
Ngoài hoa, quả chưng trên bàn thờ, mâm cơm cúng Giao thừa còn có những món ăn có tính truyền thống, vừa làm xong để chuẩn bị đón năm mới. Mâm cơm cúng Giao thừa không quá cầu kỳ, không bày biện nhiều món rườm rà mà cần đầy đủ theo nghi thức truyền thống. Chính vì vậy, mâm cơm cúng Giao thừa không gọi là mâm cỗ.
Các món ăn giành cùng giao thừa thường có cặp bánh chưng hay bánh tét vừa nấu xong, là dĩa thịt kho trứng vừa chuẩn bị cho những ngày Tết cùng với giò, chả, xôi gấc hoặc thịt gà… Các món ăn trong mâm cơm cúng Giao thừa trước là cúng Trời, Đất, ông bà tổ tiên, sau là dịp để con cháu sum vầy, quây quần cùng nhau vào thời khắc cuối cùng của một năm.