Đây là vấn đề: trong phụng vụ Công giáo cũng như trong lễ nghi Á đông, người ta vẫn xông hương hay đốt hương không những trước thi hài người quá cố, mà cả trước người còn sống nữa. Trong Thánh lễ, chủ tế, các thừa tác viên, lễ sinh và cộng đoàn đều được xông hương. Người xưa khi nghe đọc sắc chỉ của vua thì bày hương án, đốt hương và quỳ mà nghe sứ giả đọc. Nhưng không bao giờ cúng người sống.
I. NHỮNG Ý NGHĨA (CÓ THỂ GẶP THẤY) CỦA VIỆC CÚNG TẾ.
1- Việc cúng tế đã hoàn toàn mất hết ý nghĩa.
Trường hợp thấy tận mắt: Bà chủ xe khách mỗi sáng bắc ghế, vói tay lên am lấy mấy cây hương tàn quăng xuống đống rác dưới am, hất ly nước lạnh vào đống rác (giẻ rách, vỏ chuối, tàn thuốc…), đặt lên am ly nước khác, thắp nén hương khác, thế là xong. Nhận xét: Ở đây, việc cúng tế hằng ngày (ly nước) đã mất hết ý nghĩa, vì đáng lẽ bà chủ phải uống ly nước đó. Chỉ còn là một nghi thức máy móc mà thôi.
2- Người chết hưởng hơi.
Trường hợp thường thấy: Trước quan tài, bày chén cơm quả trứng. Sau đó đem quăng (có thể đổ cho heo). Nhận xét: Đây là việc mê tín: tin rằng người chết hưởng của ăn vật chất. Nghịch đức tin.
3- Tỏ lòng hiếu kính.
Bày tỏ lòng mình muốn phụng dưỡng ông bànhư khi còn sống, tiếc rằng ông bà không còn để hưởng của ăn ngon béo đang bày ra. Thí dụ: Vua Minh Mạng vi hành ban đêm, nghe tiếng khóc than trong gia đình nọ. Vua vào, thấy thầy thư lại ngồi trước bàn thờ tổ tiên mà khóc. Vua hỏi duyên cớ, thầy kể: lương tiền ít quá, ngày giỗ ông bà không sắm được mâm cỗ để cúng ông bà. Nhận xét: Đây là quan niệm quá vật chất về hạnh phúc: phải có của ăn ngon béo mới tỏ lòng hiếu kính xứng đáng và đúng mức. Nghịch với đức cậy Phúc Âm: Tiên vàn hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người (x. Mt 6,32t).
4- Trình tổ tiên thức ăn từ sản phẩm.
Do mình làm ra hoặc do ông bà để lại và mình đã làm cho phát triển. Thí dụ: Sau khi thống nhất sơn hà, vua Gia Long làm lễ tế cáo tại nhà Thái miếu: trình tổ tiên nhà Nguyễn sản phẩm tượng trưng của giang sơn mà các tiên vương đã gầy dựng, và mình đã giành lại rồi mở mang thêm(Đàng Trong và Đàng Ngoài). Vua nước Ngô là Phù Sai bại trận về tay vua nước Việt là Câu Tiễn. Phù Sai xin tha, Câu Tiễn thương tình cấp cho một ấp 100 hộ để hưởng hoa lợi tại đất Việt. Phù Sai xin chết. Lý do: không còn gì để cúng tế tổ tiên, có cúng thì cúng vua nước Việt mà thôi, như lời nhắn với Câu Tiễn: “Tôi già rồi, không thờ đức vua được nữa”.
Nhận xét: Đây là quan niệm coi vật chất là giá trị cao nhất: chỉ có sản phẩm vật chất mới làm cho tổ tiên được vẻ vang. Nghịch Phúc Âm vì: a/ giá trị con người không phải ở nơi vật chất, mà nơi đời sống công chính. Dụ ngôn người giàu khờ dại: “Làm giàu cho mình thay vì làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12,15tt). b/ trường hợp sản phẩm đó là do ông bà hoặc chính mình làm nghề bất lương mà gầy dựng nên: của cải vật chất trở thành bằng chứng ô nhục, không phải vinh dự cho cả ông bà lẫn con cháu.
5- Trình tổ tiên sản phẩm nhờ ơn tổ tiên mà có.
Đây là quan niệm cho rằng chính ông bà đã ban cho mình sản phẩm mình có ngày nay. Quan niệm này hiển nhiên nghịch với đức thờ phượng: đức thờ phượng dạy ta phải nhìn nhận mọi sự mình có là bởi Thiên Chúa mà ra. Đó là “đạo” Ông bà, thờ ông bà như Tạo Hóa. Kết luận phần này: những ý nghĩa có thể gặp thấy trong dân gian không thể chấp nhận được, vì nghịch với giáo lý Kitô giáo.
II. THỬ TÌM Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA VIỆC CÚNG TẾ.
Cúng tế là việc phổ biến trong hầu hết các tôn giáo (trong các tôn giáo lớn, chỉ Hồi giáo là không có cúng tế). Vì vậy, phải xem đó là hành vi tôn giáo sơ khai, mà ý nghĩa đích thực đã bị lệch lạc theo thời gian.
1- Tiêu chuẩn làm nên ý nghĩa đích thực của cúng tế.
Ý nghĩa đích thực phải đạt được tiêu chuẩn: a/ giải thích được việc cúng tế đối với mọi đối tượng cúng tế trong các tôn giáo: Trời, Phật, thần minh, ông bà… b/ giải thích được việc tế lễ trong Do thái giáo Cựu Ước và thánh lễ Kitô giáo.
2- Trình bày ý nghĩa đích thực của việc cúng tế.
a/ Con người là sinh vật có ý thức tôn giáo. Nhờ lý trí con người nhận thức rằng trong vũ trụ có một trật tự chung: vật lý, sinh lý, luân lý; muôn loài đều cùng một nguồn gốc và đều tuân theo trật tự chung tùy theo cấp bậc của mình: vật chất tuân theo trật tự vật lý, thảo mộc và cầm thú tuân theo trật tự sinh lý, con người tuân theo trật tự luân lý. Đây không đặt vấn đề: độc thần và đa thần, cái nào có trước? Ý thức trật tự chung có trước, và dù là đa thần đi nữa, thì các thần minh đều nằm trong trật tự đó.
b/ Do trật tự đó, thế giới hữu hình được ràng buộc (religare, religio) với thế giới vô hình. Con người nhận của cải vật chất để sinh sống; nhờ sự sống đó, con người mới hòa mình theo trật tự luân lý. Nói cách khác, con người tiếp thu sự sống sinh lý để từ đó phát sinh ra đời sống luân lý xã hội. Mọi sinh hoạt xã hội (quan hôn tang tế) chỉ có thể có nhờ sự sống sinh lý nhận được từ của cải vật chất.
c/ Chính trong khi ăn uống, con người thực hiện nhịp cầu (pontifex) từ trật tự sinh lý sang trật tự luân lý. Mọi sinh vật đều có một sinh hoạt chính yếu: ăn và dự trữ thức ăn. Nhưng nơi con người, cái sinh hoạt xem ra hèn hạ đó lại cung cấp cho con người sức sống để hòa mình theo trật tự trời đất. Như vậy, khi ăn uống và dự trữ thức ăn thức uống, con người làm một việc thiêng thánh: từ vật chất đi vào thế giới thần linh, thế giới của trật tự luân lý.
d/ Đó là ý nghĩa việc cúng tế: ăn uống với ý thức rằng mình nhờ thức ăn thức uống mà hòa mình vào trật tự thiêng thánh của trời đất. Ăn uống với ý thức đó là làm một việc thiêng thánh: sacrificium (cúng tế) là sacrum facere, làm sự thiêng thánh.
e/ Như vậy, cúng tế không phải là dâng cho thần minh (hay ông bà) lương thực, mà trái lại, là trình với thần minh phẩm vật đã nhận được từ thần minh, và ăn (hay để dành sau sẽ ăn) với ý muốn lấy từ đó sức sống để thực hiện trật tự luân lý, thực hiện đạo tự nhiên, đạo Trời đất.
III. ÁP DỤNG VÀO VIỆC CÚNG TẾ TRONG CÁC TÔN GIÁO
1- Trong đạo thờ Trời
Trong một nước, vua là người chịu trách nhiệm tế Trời. Sau đây là vài trường hợp điển hình:
a/ Nhà Chu (thế kỷ 12-3 trước CKT) phân chia thiên hạ cho chư hầu cai trị. Vua nhà Chu chỉ giữ một phần đất nhỏ trên sông Hoàng Hà, hàng năm tế trời thay mặt thiên hạ (tế giao). Ý nghĩa của việc cúng tế này là: Trời đã giao thiên hạ cho nhà Chu, vua nhà Chu nhận thực phẩm Trời ban, nhờ đó vua sống để tiếp tục duy trì trật tự thiên hạ theo ý Trời.
b/ Với chế độ thiên tử và chư hầu như trên, vua nhà Chu dần dần mất hết thực quyền. Chư hầu thôn tính lẫn nhau, thiên hạ loạn lạc. Thỉnh thoảng có một chư hầu nổi lên, như Việt Câu Tiễn (thế kỷ 5 trước CKT) lập trật tự trong vùng hạ lưu sông Dương Tử, các nước chư hầu trong vùng đều phục và tôn làm bá vương. Vua nhà Chu tế giao, gởi phần thịt cho Câu Tiễn, với ý nghĩa là Câu Tiễn nhận lấy thức ăn để tiếp lấy sức sống mà phụ lực với thiên tử duy trì trật tự theo ý Trời.
c/ Cuối thời Chiến quốc (thế kỷ 3 trước CKT), nước Tần diệt nhà Chu và mưu toan diệt luôn 6 nước chư hầu còn lại. Thái tử Đan nước Yên sai Kinh Kha đi giết vua Tần (sau này là Tần Thủy Hoàng), bày bàn thờ tế trên sông Dịch để tiễn Kinh Kha, ý nghĩa là: Kinh Kha nhận thức ăn để tiếp lấy sức sống mà thi hành kế hoạch của thái tử Đan, kế hoạch trừ bạo chúa để tái lập trật tự thiên hạ theo ý Trời.
2- Trong đạo Phật và đạo Ông bà. a/ Cúng Phật có nghĩa là: trình những thức ăn (hoa quả) mà thiện nam tín nữ và nhất là sư sãi sẽ dùng để sống theo giáo lý nhà Phật, giáo lý từ bi hỉ xả, diệt khổ, giác ngộ chúng sinh v.v…
b/ Cúng Ông bà theo đúng ý nghĩa là: trình phẩm vật mà mình sẽ dùng làm thức ăn, nhờ đó nhận được sức lực để tiếp tục cuộc sống theo trật tự trời đất mà Ông bà đã nhận rồi truyền lại cho con cháu.
3- Ý nghĩa biến dạng.
a/ Ý nghĩa đích thực đã trình bày ở trên (phần II) bắt đầu biến dạng khi có quan niệm: không phải thần minh (hay Trời, Ông bà) cho con người, mà con người cho thần minh thức ăn. Quan niệm lệch lạc tiếp theo sau đó là: con người có thể dùng của ăn mà mua chuộc thần minh, rồi: tai ương xảy đến là vì thiếu sót trong việc dâng cúng cho thần minh. Từ đó dẫn đến các ý nghĩa (sai lạc) đã trình bày ở phần I.
b/ Khi cúng tế loài động vật thì phải giết con vật. Từ đó nảy sinh ra quan niệm: thần minh khát máu, thần minh hài lòng khi thấy con vật đau đớn. Thí dụ: một dân tộc vùng cao có tục lệ khi tế thần thì cột con trâu nằm bẹp trên mặt đất, rồi lấy dao mà chặt lần từ mông lên, khiến con trâu phải đau đớn trăm lần mới được chết; làm thế, mới hả lòng thần.
c/ Biến dạng tồi tệ và ghê tởm nhất: tế người, có thể là tù binh nhưng cũng có thể là con ruột của vua quan; có khi quý tộc tranh giành nhau vinh dự được cúng con của mình. Thí dụ: dân Aztec (Mêhicô trước thế kỷ 15) ra trận cố bắt sống địch chứ không đả thương, để có thể trói sống trên bàn thờ, rồi rạch ngực, móc tim (còn đập) dâng lên thần. (Nhờ đó quân Tây Ban Nha liều chết, lấy ít thắng nhiều, tiêu diệt đế quốc Aztec).
Nguồn: Hồ Văn Quý