Giao thừa có nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy (lúc năm cũ qua, năm mới đến). Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ và mới này, có lễ giao thừa còn gọi là lễ trừ tịch.

y-nghia-thieng-lieng-dem-giao-thua

Lẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Lễ giao thừa hay còn gọi là lễ trừ tịch thực hiện vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới. Lễ thường được tiến hành vào giờ Chính Tý, tức đúng 12h đêm hôm 30 tháng chạp.

Theo quan niệm dân gian tại thời khắc giao thừa thì lễ thường được cử hành cả ở trong nhà và ngoài trời.

Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”.
Đât là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành, may mắn sẽ đến và tiễn trừ năm cũ với những điều không may đã qua.
Đêm trừ tịch là đêm cuối năm rất tối trời, cho nên dân gian có câu “tối trời như đêm ba mươi”, nhưng nửa đêm về sáng lại là thời gian của ánh sáng. Bởi vậy, đêm trừ tịch được coi là khoảng thời gian của sự yên nghỉ, giũ bỏ những muộn phiền, là đêm của tĩnh lặng và thiêng liêng.