Theo phong tục Việt nam, Tết là dịp đặc biệt quan trọng để gia đình có cơ hội đoàn tụ họp mặt, thăm hỏi sức khỏe và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Đây cũng chính là ngày lễ trọng đại nhất trong năm của người Việt.  Hôm nay các bạn hãy cùng mình tìm hiểu về phong tục tập quán ăn Tết của Việt Nam mình nhé.

Người ta vẫn dùng từ “ăn Tết” để nói đến tất cả các công việc chuẩn bị cho các ngày đầu năm mới, từ việc trang trí nhà cửa, cúng kiếng, thăm hỏi, biếu xén và chuẩn bị đồ ăn, thức uống, vui chơi cho khách đến thăm nhà cũng như cho các thành viên trong nhà. Từ “ăn” trong cụm từ “ăn Tết” phần nào nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của mâm cơm Tết trong gia đình vào những dịp này.

Người miền Bắc thường dùng “mâm cỗ” để nói đến mâm cơm giành cho những dịp trọng đại. Đó là một bữa ăn có nhiều món ngon, món đặc biệt mà ngày thường không có. “Mâm cỗ” không chỉ dùng cho dịp Tết mà còn là những dịp cưới xin, tân gia, mừng thọ. Đi “ăn cỗ” ở miền Bắc cũng giống như đi “ăn tiệc” ở miền Nam. Theo cách hiểu đơn giản, “cỗ” hay “tiệc” là sự kết hợp bày biện các món ăn được chế biến từ nhiều phương thức lại với nhau theo một nguyên tắc tương đối hài hòa về nhiều mặt. Mâm cỗ có nhiều món ăn với màu sắc, mùi vị phong phú và đặc biệt là ý nghĩa của các món ăn bày ra trong bữa cỗ. Người miền Bắc gọi là “mâm cỗ” chứ không dùng từ “bàn cỗ” vì nó gắn liền với tập quán ăn uống của người miền Bắc và người miền Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hả Tĩnh).

Mâm cơm tết người Miền Bắc

Trong mâm cỗ, dù là cỗ cưới, hỏi, kỵ (giỗ) hay cỗ Tết, mọi người ngồi quây quần quanh một mâm, thường là sáu người ăn, trong đó bày đầy đủ các món ăn, gồm nhiều đĩa, nhiều bát thức ăn, từ món canh, ninh, xào, luộc…. Nhiều mâm cỗ có nhiều món nên phải xếp chồng bát, đĩa lên nhau, hai, ba, hoặc có khi là năm, bảy tầng. Vì lý do đó mà trong ngôn ngữ Việt Nam có thành ngữ “mâm cao, cỗ đầy” để mô tả hình ảnh những mâm cỗ truyền thống của người Việt miền Bắc và Bắc Trung bộ ngày xưa. Tuy nhiên người miền Nam không dùng “ăn tiệc” cho việc ăn cơm vào dịp Tết. Mâm cơm ngày Tết ở miền Nam vì vậy không được gọi là “mâm cỗ” mà vẫn được xem là mâm cơm, chỉ có phần thịnh soạn và nhiều món ăn đặc trưng dành cho gia đình, bạn bè có dịp họp mặt và thưởng thức. Mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên chủ yếu là trái cây, hoa quả có mặt thường xuyên trên bàn thờ, còn là những món ăn chọn lọc trong những dịp trọng đại như giao thừa và ba ngày Tết.

Khi đề cập đến ẩm thực Việt nói chung, mâm cỗ Tết được sử dụng chung cho mâm cơm ngày Tết ở cả cả ba miền với ý muốn tôn trọng giá trị truyền thống của Việt Nam từ ngàn xưa. Theo truyền thống, trước khi “ăn tết”, người ta phải có nghi thức cúng Giao thừa. Ngoài việc cúng Trời, cúng Đất, còn là dịp để nhà nhà bày tỏ lòng hiếu kính với các bậc tổ tiên và người thân đã khuất cùng về sum họp với con cháu. Do đó, ngoài việc chuẩn bị đồ ăn thức uống cho gia đình thì chiều ba mươi Tết, người Việt còn lo cúng kiếng để rước ông bà.

(Sưu tầm)