Làm cho tâm an tịnh có nghĩa là tìm một sự quân bình đúng mực. Nếu bạn cố gắng ép tâm quá mức nó sẽ đi quá đà, nếu bạn không cố gắng đủ, bạn sẽ không đến được điểm đến, nó đi trượt điểm quân bình.

Thường thì tâm không yên, nó phóng đi suốt, nó thiếu sức mạnh. Luyện tập cho thân khỏe mạnh và luyện tập cho tâm khỏe mạnh thì chẳng giống nhau. Để làm cho tâm mạnh khỏe, các bạn phải tập thể dục, các bạn phải thúc nó, để làm cho nó mạnh lên, nhưng để làm cho tâm mạnh lên, có nghĩa là làm cho nó an tịnh, đừng để nó lăng xăng nghĩ chuyện này chuyện nọ. Với hầu hết mọi người chúng ta, tâm chẳng bao giờ an tịnh vì nó chẳng bao giờ có năng lực định (Samadhi), vì vậy chúng ta phải đặt tâm vào trong vòng kim tỏa. Chúng ta ngồi thiền, giữ chánh niệm.

Nếu chúng ta ép hơi thở quá dài hay quá ngắn, chúng ta không có sự quân bình, tâm sẽ không trở nên an tịnh. Điều này cũng giống như chúng ta mới tập sử dụng máy may đạp bằng chân. Đầu tiên chúng ta tập đạp máy may để tập cho có sự phối hợp thích hợp trước khi chúng ta thực sự may cái gì. Theo dõi hơi thở cũng tương tự như vậy. Chúng ta đừng bận tâm đến việc hơi thở phải dài hay ngắn, mạnh hay yếu ra sao. Chúng ta chỉ ghi nhận nó. Nó như thế nào chúng ta cứ việc để nó như thế ấy, theo dõi cái hơi thở tự nhiên.

Khi hơi thở quân bình, chúng ta mới dùng nó như là đề mục thiền của chúng ta. Khi chúng ta thở vào, điểm đầu của hơi thở sẽ ở tại chóp mũi, điểm giữa hơi thở tại ngực và điểm cuối của hơi thở là ở bụng. Đây là con đường của hơi thở. Khi chúng ta thở ra, điểm đầu của hơi thở là bụng, điểm giữa tại ngực và điểm cuối tại chóp mũi. Chúng ta chỉ đơn giản ghi nhận con đường của hơi thở này tại ba điểm chóp mũi, ngực và bụng. Chúng ta lưu ý ba điểm này để làm cho tâm vững chắc, hạn chế tâm lặng xăng để chánh niệm và tỉnh giác có thể dễ dàng sinh khởi.

Khi đã thuần thục trong việc ghi nhận tại ba điểm này, chúng ta có thể bỏ qua chúng và chỉ ghi nhận hơi thở vào và hơi thở ra, tập trung tại một nơi duy nhất là chóp mũi hay là vùng môi trên nơi mà luồng hơi vào, ra xúc chạm. Chúng ta không phải theo dõi hơi thở, chỉ thiết lập chánh niệm trước mặt chúng ta tại chóp mũi, và ghi nhận hơi thở vào, ra tại một điểm này – vào, ra, vào, ra. Chẳng cần phải nghĩ đến một cái gì đó đặc biệt, chỉ tập trung vào nhiệm vụ đơn giản này ngay trong hiện tại, hãy giữ cho tâm có sự hay biết liên tục. Chẳng có gì khác hơn để làm, chỉ thở vào và thở ra.

Chẳng bao lâu, tâm trở nên an tịnh và hơi thở trở nên tế. Thân và tâm trở nên nhẹ nhàng. Nếu việc thực hành đúng thì chúng ta sẽ đạt được trạng thái như vậy.

Khi đang ngồi thiền, tâm trở nên lắng trong nhưng cho dẫu chúng ta đang ở trong bất kỳ trạng thái nào chúng ta phải ý thức rõ việc đó, phải hay biết nó. Ở đó là sự hiện diện của các sinh hoạt của tâm cùng với sự an tịnh. Có tầm (vitakka). Vitakka là hành động đưa tâm đến đề mục quán chiếu. Nếu không có nhiều chánh niệm, sẽ không có nhiều vitakka. Rồi theo sau đó là tứ (vicara), sự quán chiếu quanh đề mục đó. Có một số cảm giác về trạng thái tâm còn “yếu” thỉnh thoảng sanh khởi nhưng sự tỉnh giác của chúng ta là điều quan trọng – bất cứ điều gì cũng có thể sinh khởi nhưng chúng ta phải hay biết, ghi nhận nó một cách liên tục. Khi chúng ta vào sâu hơn trong định, chúng ta phải luôn luôn biết về trạng thái thiền của chúng ta, phải biết tâm chúng ta có đứng yên trên đề mục một cách vững chắc hay không. Vì vậy định và sự tỉnh giác, cả hai, đều có mặt.

Có một cái tâm an tịnh không có nghĩa rằng chẳng có điều gì sanh khởi, những cảm xúc sẽ sinh khởi. Thí dụ khi chúng ta nói về tầng thiền thứ nhất, chúng ta nói nó có năm thiền chi. Cùng với vitakka và vicara, hỷ (piti) sẽ sanh khởi cùng với đề mục thiền và rồi sau đó là lạc (sukha). Tất cả bốn chi thiền này cùng nằm với nhau trong môt cái tâm đã đạt được sự tĩnh lặng. Tất cả chúng cùng là một trạng thái.

Thiền chi thứ năm là ekaggata hay nhất tâm. Các bạn sẽ thắc mắc làm sao có thể có sự nhất tâm khi còn có bốn chi thiền khác này. Đây là do tất cả chúng đều trở nên hợp nhất trên nền tảng của sự an tịnh đó. Tất cả các chi thiền đó cùng được gọi chung là định (Samadhi). Chúng không phải mà những trạng thái hàng ngày của tâm, chúng là những thiền chi. Định có năm đặc điểm này, nhưng chúng không làm nhiễu loạn sự an tịnh căn bản. Tâm, vì vậy, đồng nhất với năm chi thiền này như là một. Tầng thiền đầu tiên là như vậy.

Chúng ta không cần gọi nó là tầng thiền thứ nhất, tầng thiền thứ hai, tầng thiền thứ ba và v.v… hãy chỉ đơn giản gọi là “một cái tâm tĩnh lặng”. Khi tâm dần dần trở nên an tịnh hơn, nó sẽ từ bỏ vitakka và vicara để có được hỷ và lạc. Tại sao tâm từ bỏ vitakka và vicara? Đây là do tâm càng ngày càng trở nên vi tế hơn, tầm và tứ quá thô không thể giữ lại.

Tại giai đoạn này, khi tâm từ bỏ vitakka và vicara, cảm giác hỷ mạnh mẽ có thể sinh khởi, nước mắt có thể trào ra. Nhưng khi Samadhi (định ) sâu hơn, hỷ cũng sẽ bị loại bỏ, chỉ còn chừa lại lạc và sự nhất tâm cho đến khi cuối cùng ngay cả lạc cũng phải ra đi và tâm đạt đến trạng thái vi tế nhất. Chỉ còn sự quân bình (xả) và sự nhất tâm, tất cả những thứ khác đều bị bỏ lại. Tâm đứng yên, bất động.

Một khi tâm an tịnh thì việc này có thể xảy ra. Các bạn không phải suy nghĩ nhiều về nó, tự nó sẽ sinh khởi. Đây được gọi là năng lực của một cái tâm an tịnh. Trong trạng thái này, tâm không buồn ngủ (hôn trầm); năm triền cái, tham, sân, hôn trầm và thụy miên, trạo hối, hoài nghi tất cả đều biến mất.

Nhưng nếu năng lực tâm vẫn không mạnh và chánh niệm yếu, thỉnh thoảng sẽ có những cảm xúc không mời mà đến sinh khởi. Tâm an tịnh nhưng dường như có “sự vẫn đục” trong sự tĩnh lặng đó. Tuy vậy nó không phải là một dạng hôn trầm thông thường, một số cảm xúc sẽ thể hiện – có thể chúng ta sẽ nghe một âm thanh, hay thấy hình ảnh một con chó hay một cái gì đó. Nó không thực sự rõ ràng nhưng nó cũng không phải là một giấc mơ. Đây là do năm thiền chi bị mất cân bằng và yếu.

Tâm thường chơi khăm trong những mức độ tĩnh lặng này. “Tưởng tượng” thỉnh thoảng sẽ xuất hiện khi tâm ở trong trạng thái này qua bất kỳ một cửa giác quan nào, và hành giả không thể nói chính xác là chuyện gì đang xảy ra “ Mình đang ngủ à? Không. Nó có phải là giấc mơ không? Không, nó không phải là một giấc mơ…” Những cảm giác này sinh khởi từ một trạng thái tâm khá tĩnh lặng, nhưng nếu tâm thực sự định tĩnh và trong sáng, chúng ta sẽ không hoài nghi về những cảm giác hoặc tưởng tượng sinh khởi. Những câu hỏi như “ Mình đã bị cuốn đi à? Mình đang ngủ sao? Mình bị lạc đường à?” sẽ không sinh khởi vì chúng là đặc điểm của một cái tâm vẫn còn hoài nghi. “ Mình đang ngủ hay thức vậy? “ …Xem nào, tâm bị lu mờ! Đây là một cái tâm bị lạc lối trong những trạng thái của nó. Nó giống như mặt trăng bị đám mây đi ngang qua. Bạn vẫn có thể thấy mặt trăng, nhưng những đám mây bao phủ nó làm cho nó bị lu mờ. Nó không giống trường hợp mặt trăng nhô lên từ sau những đám mây – trong sáng và rõ ràng.

Khi tâm an tĩnh và thiết lập vững chắc trong chánh niệm và sự tự tỉnh giác, chúng ta sẽ không có hoài nghi về những hiện tượng khác nhau mà chúng ta gặp phải. Tâm sẽ thực sự vượt lên trên mọi chướng ngại. Chúng ta sẽ biết một cách rõ ràng bất cứ điều gì khi nó sinh khởi trong tâm. Chúng ta không hoài nghi về nó vì tâm chúng ta trong sáng. Tâm đạt đến trạng thái định là như vậy đấy.

Tuy nhiên một số người thấy khó nhập định bởi vì nó không phù hợp với căn tánh của họ. Họ có định, nhưng định của họ không mạnh hay vững chắc. Nhưng người ta có thể đạt được sự an vui thông qua việc sử dụng trí tuệ, thông qua sự quán chiếu và nhìn thấy sự thật (chân lý) của sự vật, họ giải quyết vấn đề theo cách đó. Đây là sử dụng trí tuệ chứ không phải là sức mạnh của thiền định. Để đạt được sự định tĩnh trong thực hành không nhất thiết phải ngồi thiền, ví dụ, chỉ cần tự hỏi: “Ê, kia là cái gì?…” và giải quyết vấn đề của bạn ngay tại đó! Một người có trí tuệ là như vậy đấy. Có lẽ vị ấy không thể thực sự đạt được những mức độ cao của định, mặc dù vị ấy phát triển định một mức độ nào đó, đủ để trau dồi trí tuệ. Nó giống như sự khác biệt giữa trồng lúa và trồng bắp. Người ta có thể phụ thuộc vào gạo nhiều hơn bắp để kiếm sống. Việc thực hành của chúng ta có thể giống như vậy, chúng ta dựa vào trí tuệ nhiều hơn để giải quyết vấn đề. Khi chúng ta nhìn thấy chân lý, sự an bình sẽ sinh khởi.

Hai cách không giống nhau. Một số người có năng lực nội quán mạnh mẽ nhưng họ không có định mạnh. Khi họ ngồi thiền họ không được an tịnh lắm. Họ thường suy nghĩ nhiều, quán chiếu điều này điều nọ, cho đến khi cuối cùng họ quán chiếu về hạnh phúc và khổ và thấy được chân lý. Một số người có năng khiếu về việc này hơn là thực hành để huân tập định. Bất cứ khi nào họ đứng, đi, ngồi, nằm, sự chứng ngộ Pháp có thể xảy ra. Qua sự thấy, qua sự buông bỏ, họ đạt được sự an vui. Họ đạt được sự an vui qua sự hiểu biết chân lý không một chút hoài nghi bởi vì họ tự đã tự chứng nhiệm cho chính mình.

Những người khác, có ít trí tuệ nhưng tâm định lại rất mạnh. Họ có thể nhập định sâu một cách nhanh chóng , nhưng không có nhiều trí tuệ. Họ không thể nhận ra được phiền não của họ, không hay biết chúng. Họ không thể giải quyết vấn đề của mình.

Nhưng, bất luận phương pháp tu tập nào mà chúng ta sử dụng, chúng ta phải loại bỏ tà kiến, chỉ giữ lại chánh kiến mà thôi. Chúng ta phải loại bỏ sự rối loạn, chỉ giữ lại an bình mà thôi. Con đường nào cuối cùng rồi cũng kết thúc tại cùng một chỗ. Có hai mặt của sự thực hành, nhưng hai mặt này, sự định tĩnh và nội quán, đi cùng với nhau. Chúng ta không thể bỏ một trong hai. Chúng phải đi cùng với nhau.

Cái gì “nhìn bao quát ” những yếu tố khác nhau sinh khởi trong lúc hành thiền chính là “sati” chánh niệm. Chánh niệm là điều kiện – qua việc thực hành- có thể có thể giúp cho các yếu tố khác sinh khởi. Chánh niệm là sự sống. Bất cứ lúc nào chúng ta không có chánh niệm, khi chúng ta phóng dật, thì chúng ta coi như chết. Nếu không có chánh niệm, lời nói và hành động của chúng ta không có ý nghĩa gì cả. Chánh niệm ở đây đơn giản chỉ là sự nhớ lại (recollections). Nó là nhân cho sự tự tỉnh giác và trí tuệ sinh khởi. Bất cứ phẩm hạnh nào mà chúng ta trau dồi sẽ không hoàn hảo nếu thiếu chánh niệm. Chánh niệm là cái canh chừng chúng ta trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Ngay cả khi chúng ta không còn ở trong định, chánh niệm luôn luôn lúc nào cũng phải hiện diện.

Bất luận gì ta làm, chúng ta phải thận trọng. Một ý thức hổ thẹn sẽ sinh khởi . Ta sẽ cảm thấy hổ thẹn về những việc không đúng mà chúng ta sẽ làm. Khi hổ thẹn tăng trưởng, sự tự chủ cũng tăng trưởng. Khi sự tự chủ tăng trưởng, phóng dật sẽ tan biến. Ngay cả khi chúng ta không ngồi thiền những yếu tố này vẫn hiện diện trong tâm.

Và điều này sinh khởi là do chúng ta trau dồi chánh niệm. Hãy vun bồi chánh niệm! Đây là pháp (dhamma) giám sát công việc chúng ta đang làm hoặc đã làm trong quá khứ. Nó có sự hữu ích. Chúng ta lúc nào cũng phải tự hay biết chính mình. Nếu chúng ta tự biết mình như thế này, cái đúng sẽ tự nhận ra nó từ cái sai, con đường sẽ trở nên rõ ràng, và nhân của tất cả mọi sự hỗ thẹn sẽ tan biến. Trí tuệ sẽ sinh khởi.

Chúng ta có thể gom sự thực hành này lại như giới, định và tuệ. Hãy tự chủ, hãy tự kiểm soát, đây là Giới. Sự kiên định của tâm nằm trong sự kiểm soát đó là Định. Có sự hiểu biết hoàn hảo, toàn diện trong cái công việc mà chúng ta tham gia, đang làm là Tuệ. Việc thực hành nói tóm gọn chỉ là giới, định và tuệ hay nói cách khác, đó chính là con đường. Không có con đường nào khác.

Theo: A Taste of Freedom — Chuyển ngữ: Supanna Thiện Trí