Trong hệ thống lễ hội dân gian tổ chức tại các làng xã nông thôn cổ truyền ở nước ta, các sinh hoạt văn hoá như tín ngưỡng, tôn giáo tâm linh, các nghi thức và nghi lễ cúng tế, các trò tục, trò diễn, trò chơi dân gian đều được nảy sinh từ đời sống thực tế của người dân lao động, và đểu có nguồn gốc từ văn hoá bản địa. Đó cũng chính là quá trình tích tụ bền vững các giá trị văn hoá dân gian và dân tộc vào trong các lễ hội ở khắp làng quê nước ta.

Do vậy, lễ hội làng còn là môi trường lí tưởng để sản sinh thêm, nuôi dưỡng và làm phồn sinh các giá trị, tinh hoa văn hoá thuộc về bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời nó còn là nơi bồi dưỡng và nâng cao bản lĩnh văn hoá và bản sắc dân tộc lên những tầm cao mối, phù hợp với mọi thời đại của lịch sử dân tộc.

Hệ thống lễ hội dân gian

    Ngay từ khởi thuỷ, lễ hội đã gắn bó với hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa và nó được nảy sinh trên cơ sở đời sông văn hoá bản địa của cư dân Việt cổ. Trong hệ tín ngưỡng dân gian của người Việt, đầu tiên phải kể đến là các tín ngưỡng nông nghiệp cổ, là nguyên cớ cho việc tổ chức các lễ hội nông nghiệp trong thời kỳ văn hoá Đông Sơn. Căn cứ vào các nguồn sử liệu của khảo cổ học và dân tộc học, thì xã hội nước ta thời Văn Lang – Âu Lạc là xã hội nông nghiệp cổ đại. Do vậy, lễ hội thời kỳ này phản ánh khá rõ nét đời sống tâm linh của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, trong các sinh hoạt văn hoá dân gian, mà hạt nhân tín ngưỡng của lễ hội khi ấy là các nghi lễ phồn thực trong tín ngưỡng nông nghiệp cổ như: cầu nhân khang, vật thịnh, cầu mùa, cầu nước, v.v…  

  Qua việc giải mã các hình ảnh chạm khắc trên trống đồng Đông Sơn, thì hình tượng người Lạc Việt đi dự hội, trên đầu họ có cắm những bông lau, mà hoa lau chỉ có vào mùa thu (tháng 8 âm lịch). Mặt khác, theo nguồn thư tịch cổ Trung Quốc có ghi chép về việc người Việt cổ mở hội vào mùa thu, như sách Hán thư chép rằng: Người Lạc Việt đến mùa thu tháng 8 thì mở hội, trai gái trao duyên bằng lòng thì lấy nhau; Hoặc sách Thái Bình hoàn vũ ký có ghi: Người Lạc Việt không biết Tết, biết năm (theo lịch Trung Quốc), mà cứ lấy ngày Sửu tháng 8 làm ngày hội, già trẻ đi chúc tụng nhau, coi đó là ngày đầu năm.