Mô tả: Cây gỗ cao 30-40m. Vỏ thân màu xám tro. Lá mỏng, mọc so le, chóp và gốc thuôn nhọn, mặt dưới nhạt có lông. Cụm hoa hình tán, mọc ở nách lá gần ngọn. Hoa màu trắng xám. Quả nang hình quả lê, có lông, nứt thành 2 mảnh, chứa 1 hạt. (ảnh số 708).

Bộ phận dùng: Gỗ thân – Lignum Aquilariae Resinatum, thường có tên là Trầm hương.

Nơi sống và thu hái: Trầm mọc hoang ở những vùng rừng núi Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam – Ðà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, cho tới An Giang, Kiên Giang.

Người ta sử dụng phần gỗ đã hoá trầm ở những cây già hay cây bị bệnh do có loài nấm Cryptosphaerica mangifera gây nhiễm. Trầm hương có hình dáng kích thước không nhất định nhưng đều có mùi thơm, nhất là khi đốt. Khi dùng làm thuốc người ta chẻ thành mảnh nhỏ, phơi trong râm mát cho khô, rồi tán bột mịn.

Thành phần hoá học: Có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là benzylaceton 26% metoxybenzalaceton 53% và terpen alcol 11%, còn có acid cinamic và các dẫn xuất của nó.

Tính vị, tác dụng: Gỗ Trầm có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng giáng khí, bổ nguyên dương, hạ đờm. Có tác giả cho là nó bổ thận khí, tăng cường chức năng liễm nạp khí xuống và thêm sức vận hoả của tỳ thận. Ở Thái Lan, gỗ Trầm được xem như có tác dụng trợ tim, bổ huyết, lợi tiêu hoá, trừ ỉa chảy, chống nôn và hạ sốt.

Công dụng:  -Thường dùng trị nôn mửa, đau bụng, cấm khẩu, khí nghịch khó thở, người già hư yếu hen suyễn thở dốc, bệnh nguy phát nấc không ngớt. , Hen khí quản, Chữa bệnh do xúc động tinh thần, khí dồn lên thở gấp, buồn bực ăn không được;  Chữa bệnh nặng phát nấc hay nôn ói.