Cũng cần phải nói thêm rằng, đó chỉ là cách phân chia mang tính tương đối để tiện cho việc khảo sát nhận diện đối tượng nghiên cứu của riêng đề tài này. Còn trên thực tế, việc xác định cấu trúc của một hiện tượng hết sức phức tạp và đa dạng là bản sắc văn hoá dân tộc một cách rạch ròi hoàn toàn không phải là việc đơn giản.
Tóm lại, bản sắc văn hoá dân tộc là tổng thể những gì cốt lõi nhất, cơ bản nhất của nền văn hoá dân tộc và của bản sắc một dân tộc. Bản sắc văn hoá có cấu trúc tương đồng với cấu trúc nền văn hoá dân tộc và được hình thành cùng với nền văn hoá trong suốt tiến trình lịch sử văn hoá của dân tộc đó.
Tuy nhiên, để nhận diện bản sắc văn hoá qua một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian tổng hợp – Lễ hội truyền thống và lối sống, phong tục, tập quán cổ truyền…, được phản ánh trong các hoạt động văn hoá của lễ hội truyền thông của người Việt từ trước đến nay.
Về mối quan hệ giữa các yếu tố nội sinh với yếu tố ngoại sinh trong giao lưu văn hoá người Việt
Trong lịch sử văn hoá của nhân loại, giao lưu là nhu cầu tự thân của mỗi nền văn hoá dân tộc, hay văn hoá các tộc người. Để có được sự giao lưu văn hoá đó phải có sự tiếp xúc của ít nhất hai dân tộc hay hai tộc người, hoặc hai nhóm (cộng đồng) người để tạo ra những biến đổi trong mô thức văn hoá của các hay ít nhất một trong sô” các dân tộc, tộc người hay nhóm người đó.
Vì vậy, các nền văn hoá dân tộc hay tộc người có sự giao lưu với các nền văn hoá khác đều trở nên phong phú, đa dạng hơn, phát triển hơn so với các nền văn hoá khép kín hay thuần túy bản địa. Tất cả các nền văn hoá không có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài đều kém phát triển, đều ngưng đọng, trì trệ và mai một.
Giao lưu văn hoá được tiến hành theo nhiều phương thức khác nhau. Có thể là sự giao lưu tự phát của các dân tộc, các tộc người, nhóm người có chung đường biên giới, thông qua việc trao đổi các sản phẩm, công cụ sản xuất, hoặc thông qua việc kết hôn ngoại tộc.
Giao lưu văn hoá cũng có thể diễn ra qua việc truyền giáo, thông thương giữa các nền văn hoá ở cách xa nhau, cũng có thể theo con đường cưỡng bức của một dân tộc đi xâm lược một dân tộc khác.