Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Lên Đồng là hình thức tín ngưỡng dân gian (Shaman) rất phổ biến ở Việt Nam, ở châu Á và nhiều nước trên thế giới. Một số nước đã ghi nhận giá trị của hình thức tín ngưỡng dân gian này là di sản văn hóa phi vật thể như Kut ở Hàn Quốc, Shaman ở Indonesia và Shaman ở Mông Cổ.
Lên Đồng của Việt Nam chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử, đã được nhiều chuyên gia trong nước, quốc tế nghiên cứu, giới thiệu và bảo tồn.
Theo biến thiên lịch sử, Lên Đồng từng bị coi như điều cấm kỵ, một ví dụ hùng hồn của hủ tục mê tín dị đoan cần loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Dù vậy, mặc những dè bỉu và lên án trong tư duy một thời, Lên Đồng vẫn tồn tại, là hình thức diễn xướng dân gian, một nghi lễ không thể thiếu trong Đạo Mẫu, tín ngưỡng riêng của người Việt, tôn thờ nữ thần, người Mẹ, như đấng tối cao có “quyền năng sáng tạo, che chở cho con người, đáp ứng khát vọng của con người về Phúc, Lộc, Thọ”.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, rất nhiều người trong chúng ta cũng đang hiểu mập mờ về Lên Đồng. Từ bao đời nay, Lên Đồng đã trở thành một giá trị tín ngưỡng tâm linh thành kính của người Việt. Giá trị đó hiện đang bị nhiều người lợi dụng để mưu lợi, mất dần bản sắc vốn có.
Vì thế, theo GS Ngô Đức Thịnh, chúng ta cũng cần giáo dục cho người dân hiểu thấu đáo về những giá trị văn hóa và ý nghĩa tâm linh của Lên Đồng. Khi họ hiểu thấu đáo cội nguồn của nghi lễ, họ sẽ có niềm tin và những ứng xử văn hóa hơn, góp phần bảo tồn những giá trị của Lên Đồng đúng nghĩa với một di sản của ông cha
Có thể hiểu Lên Đồng khởi nguồn là một tín ngưỡng dân gian, thuần khiết giản dị và ẩn chứa những vẻ đẹp tâm linh, gắn liền với văn hóa đạo Mẫu. Lên Đồng tồn tại từ lâu đời trong đời sống nhân dân, đó là một nét văn hóa mang đậm chất bản địa của người Việt.
Đó là sự tích hợp những giá trị văn hóa dân gian có tự lâu đời, âm nhạc, kiến trúc, văn học, trang phục, vũ đạo. Về âm nhạc, hầu đồng mang một loại hình âm nhạc đặc biệt, chầu văn, được coi là một cuộc “hội nhập của thi ca, âm nhạc, vũ đạo và hội họa mang đậm phong cách thuần Việt”, với những câu hát đẹp được lưu giữ từ xa xưa.
Ngoài ra, Lên Đồng cũng sáng tạo ra một không gian kiến trúc độc đáo của các đền phủ, tượng thờ, các sắc màu ấn tượng đa dạng của trang phục. Về vũ đạo, nghiên cứu trong Lên Đồng có đến hàng chục các điệu múa như: múa kiếm, dệt gấm, đi chợ, múa quạt, chèo thuyền, thêu hoa… mềm mại và đề cao tính nữ.
Lên Đồng không phải là một tín ngưỡng độc lập, mà chỉ là một nghi lễ đặc trưng nhất của đạo Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ. Tuy nhiên, nếu xét thuần túy về khía cạnh tôn giáo học, thì Lên Đồng lại mang những nét đặc trưng của Shaman giáo, một loại hình tôn giáo tín ngưỡng phổ quát trên thế giới và gắn với hình ảnh của các ông đồng, bà đồng.
“Các ông bà đồng ở đây không phải là những người tự nguyện đến với tín ngưỡng này, mà chủ yếu họ bị đẩy tới việc phải ra đồng”- GS Ngô Đức Thịnh cho biết.
Ngoài khía cạnh tín ngưỡng, nghi lễ Lên Đồng còn bao chứa những giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Trong kho tàng văn học dân gian nước ta, đã có một mảng riêng về Lên Đồng được sưu tập đang lưu truyền trong dân gian qua thành văn và truyền miệng như huyền thoại, truyền thuyết, hát văn, truyện thơ, câu đối…
Lên Đồng còn là một dạng “sân khấu tâm linh” với hình thức diễn xướng dân gian tổng thể qua âm nhạc chầu văn và văn chầu. Cũng như những mảng kiến trúc tạo hình tại đền phủ cùng với tranh, tượng thờ, trang phục… tạo nên sự tích hợp đặc sắc về văn hóa.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, việc cần làm ngay hiện nay là nghiên cứu và công khai để mọi người thấy được cái hay của Lên Đồng chứ không phải mặt hạn chế của nó.
“Quốc tế công nhận cũng là để giúp chúng ta bảo tồn thôi chứ không phải chỉ vì quốc tế công nhận mà mình phải làm vậy”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, Lên Đồng là một bảo tàng sống động. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu”, TS. Frank Proschan – Chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhận định.