Việc trẻ ốm yếu cúng giải hạn hoặc gửi cửa theo số của nó đều không được thì thầy cúng sẽ xem số và đeo vòng vía cho trẻ. Nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của người H’Mông hoa ở Cát Cát tương tự như nghi lễ đeo vòng vía cho trẻ của nhóm người H’Mông trắng ở Bảo Phố – Bắc Hà. Nghi lễ và sự chuẩn bị diễn ra như sau:
Gia đình phải chuẩn bị 3 chiếc vòng cuốn bằng tre có đường kính 1,5m. Họ dựng ngoài cửa 1 vòng, giữa nhà 1 vòng và phần giáp bàn thờ 1 vòng. Họ dùng một tấm vải trắng dài 12m đặt lên trên vòng tre từ cửa chính vào tới bàn thờ. Mâm cúng đặt ở góc phải, phía dưới bàn thờ bao gồm: 3 đôi đũa, 3 bát cơm, 3 chén rượu, 3 chén nước, 1 con gà luộc, 1 gói muối. Trên bàn còn có chiêng, kiếm của thầy cúng. Người nhà còn mời, nhờ một người trung tuổi, con cái khoẻ mạnh đến bế đứa trẻ để tiến hành nghi lễ đeo vòng vía.
Khi thầy cúng bắt đầu việc cúng thì đứa trẻ đứng ở ngoài cửa trên mép vải đặt từ giữa cửa đến bàn thờ. Đầu tiên, thầy cúng cho mời tổ tiên của gia đình về chứng kiến việc làm tốt của thầy cúng cho đứa trẻ. Sau đó thầy cúng mời sư tổ của mình về và xin cho phép mầu để trừ tà diệt ma. Tiếp đó, thầy cúng gõ một hồi chiêng dồn dập, vừa gõ vừa gọi các âm binh đến. Thầy cúng uống một hớp rượu sau đó múa xung quanh nhà. Mỗi khi rú lên một tiếng, thầy cúng lại đâm thẳng kiếm xuống đất, tượng trưng cho việc trừ ma xấu làm hại trẻ. Khi thầy cúng đi ra cửa và đâm thẳng kiếm ra ngoài tức là ma đã bỏ ra khỏi nhà, khỏi đứa trẻ.
Người phụ cúng sẽ cho đứa trẻ bước vào qua vòng tre thứ nhất. Khi đứa trẻ bước vào trong vòng (qua cửa) thầy cúng bước ra ngoài và chém kiếm xuống đất chỗ đứa trẻ vừa đứng với ý nghĩa là chém ma xấu. Sau đó, thầy cúng đi vào trước bàn cúng, đặt kiếm xuống bàn và cầm chai rượu đổ ra tay tung vào đứa trẻ, tượng trưng nước phép vừa trừ ma, vừa rửa hồn vía đã bị ma xấu làm ô uế. Sau đó, đứa trẻ được người phụ cúng cho bước qua vòng thứ hai. Thầy cúng ngậm một ngụm rượu phun mạnh vào nơi đứa trẻ vừa đứng.
Tiếp đến, thầy cúng đọc lời dồn hồn vía cho trẻ từ nay vía không được theo ma xấu. Một tiếng thét của thầy cúng tức là ma đã bỏ chạy và vía đã nhập vào đứa trẻ. Người phụ cúng hai tay đỡ hai vai trẻ và trẻ nhảy qua vòng tre cuối cùng, thầy cúng lập tức cầm vòng vía (cổ, tay, tai) đeo ngay cho trẻ với ý nghĩa là rào vía cho trẻ. Từ nay, hồn vía trẻ sẽ không bỏ đi chơi và ma xấu cũng sẽ không dám bén mảng đến vì đã có vòng vía là thứ vũ khí để trừ tà diệt ma.
Sau phần làm lễ, thầy cúng, phụ cúng và gia đình cùng ăn cơm, uống rượu bình thường. Khi ra về, thầy cúng được bắt một con gà trống và một lít rượu.
Vòng vía được đeo suốt đến lúc già. Trường hợp vòng vía đã đeo tự nhiên rơi hoặc bị mất thì được. Còn nếu người đeo tự tháo ra thì rất có thể họ sẽ bị ốm trở lại.