Đành rằng không thể “thủ đắc” được chân lý như một cái gì toàn diện, phổ quát, phủ trùm lên thực tại, nhưng chúng ta có thể tiếp cận một sự thật nào đó về thực tại, có tính cách cục bộ, hạn chế, trong thời gian và không gian (tức tùy góc nhìn và sẽ bị phủ định trong thời gian).

Vấn đề thực tế không phải là đi tìm chân lý như một cái gì toàn diện, phổ quát, phủ trùm lên thực tại, vì điều ấy không thể, nhưng, trước mỗi sự kiện, tìm được tối đa thông tin về nó.

Thí dụ : khi mua một chiếc xe máy, chúng ta không thể biết hết về nó, không thể có “tận cùng chân lý” về nó, nhưng chúng ta cố tìm biết nhiều thông tin nhất có thể được.Tương tự như vậy với mọi sự kiện khác của cuộc đời.

Các thông tin ấy vì chỉ cục bộ nên cần được chia sẻ với người khác, để với nhiều thông tin cục bộ đến từ nhiều người kết hợp với nhau (từ nhiều nơi chốn, thời điểm), chúng ta có được số thông tin càng nhiều hơn. Sự chia sẻ ấy buộc phải đi qua ngôn ngữ : viết, nói … nên ngôn ngữ là một thành tố quan trọng của hiểu biết.

Thiền tự nó không phải là một phương pháp để hiểu biết, vì thiền quán không phải là một hoạt động tâm trí có đối tượng, và như thế cũng không có mục đích.

Tuy nhiên người tập thiền, dù mới tập, cũng có được sự an tâm. Chính cái tâm được “an” ấy giúp phát triển nhận thức, giúp đem lại nhiều thông tin chính xác hơn về thực tại. Người ta nói là khi tâm được “an” thì năng lượng thần kinh tập trung vào một công việc và được sử dụng hữu hiệu hơn. Người ta cũng nói đến phát triển “trực giác” (tôi đã bàn qua về vấn đề này).

Tuy nhiên, như Huệ Khả (dù đã là một nhà sư tu tập lâu năm) tới than với Đạt Ma : “tâm tôi không an !”, và được nghe trả lời :”tâm đâu ? đem ra đây ta an cho”, chúng ta cũng không thể đem “an tâm” ra làm mục đích ! 🙂

Vậy, phải làm gì ? Tôi thường trở về với một định nghĩa cổ điển của “thiền”, là : ngồi xuống, và không làm gì hết !