Lễ cấp shắc then là nghi lễ tôn giáo của những người làm nghề Then và chỉ khi được cấp shắc thì người làm nghề này mới được phép hành nghề của mình. Ở mỗi vùng, lễ cấp shắc đều có những qui định cụ thể cho từng dòng then, về phẩm hàm cũng như các nghi lễ. Khi thực hiện lễ cấp shắc, người được cấp shắc phải biết chính xác tổ tiên nhà mình thờ dòng thánh nào để mời số thầy Then tương ứng trợ giúp cho thầy Tào khi hành lễ. Thầy then trước khi nhận lời phải xem mệnh của mình có hợp với mệnh của người muốn được cấp shắc hay không, nếu hợp thì mới làm.

Căn cứ vào ngày tháng đã định, chủ nhà nhờ con cháu trong gia tộc đi đón thầy. Gần cổng nhà, người ta dựng một cái lán tạm dùng làm chỗ nghỉ chân cho các thầy trước khi vào nhà. Người được cấp shắc phải làm lễ đón thầy.

Trong tất cả các lễ cúng của người Tày, lễ cúng các bà mụ bao giờ cũng là nghi lễ rất quan trọng, bà mụ ở đây theo quan niệm cổ xưa chính là bà mẹ sinh sản, bà mẹ nông nghiệp và hiện nay là bà mụ sinh ra tất cả mọi thành viên trong dòng họ.

Lễ cấp shắc được thực hiện bởi 1 ông thầy Tào và hai ông thầy Then. Thầy Tào là đạo sĩ dân gian, mang tính chất chính qui với sách cúng, sớ tấu bằng chữ Hán và phải có những người phụ giúp để thực hành các nghi thức. Còn thầy Then là ông thầy Saman – người diễn xướng Then trong các nghi lễ. Họ vừa là nghệ nhân hát dân ca vừa có khả năng thoát và nhập hồn khi vào các cửa Then. Trong lễ này, thầy Then Quan Làng giữ vai trò chỉ đạo khi đi qua các cửa then để chiêu binh mã và chia binh mã cho người được cấp sắc. Còn thầy Tào có nhiệm vụ tấu trình với các vị thần linh.

Thầy Then với cây đàn tính thỉnh qua các cửa Then như: thổ công, thổ địa, táo quân, cửa tổ tiên, cửa bà mụ, cửa Phật, Khảm Hải, cửa tướng và cuối cùng là cửa Rinh Nam.

Người Tày cho rằng nghề Then phải do trời giao phó mà đại diện Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì vậy, khi tiến hành cấp shắc, ngoài những thủ tục trên, người được cấp sắc phải làm lễ khai quang – nghĩa nôm là mở ánh sáng.

Đối với nhiều lễ cấp sắc, các thủ tục đều được tiến hành tuần tự như chiêu binh mã, đưa lễ vật qua các cửa Then tấu trình với Ngọc Hoàng để xin cấp shắc. Trong lễ này, thầy Tào và thầy Then lại tính giờ tốt theo tuổi của chủ nhà để cấp shắc, sau đó sẽ tiến hành lễ Shán dẻn có nghĩa là đưa lễ vật lên trình các cửa Then. Trước khi kết thúc lễ cấp shắc, thầy Then dâng mâm hào quang cho các vị thần linh bằng hành động bê mâm lễ để giữa nhà tiến hành nghi thức bói cầu may.

Để trở thành thầy Then có âm binh, ấn tín cùng các vật thiêng hành nghề để đi làm phúc cho dương gian, bản làng, được chứng nhận là người có khả năng tiến hành tổ chức nghi lễ cúng bái, cầu an trong đời sống tâm linh của cộng đồng thì thầy then phải trải qua các nghi lễ cấp shắc theo đúng phong tục truyền thống của dân tộc.