Như đối với Bát Nhã Tâm Kinh, nếu bạn không hiểu gì cả, thì điều ấy hoàn toàn … tự nhiên !
§§§§§§§§§§§§§§§
Hãy quan sát vật chất, nền tảng của sự vật, với những đặc tính mà người ta gán cho nó. Qua đó chúng ta thấy được rằng nó là phi hiện hữu, hoàn toàn vô cảm.
Nó không sắc thể, vì sắc thể hiện hữu sau nó. Nó là tập hợp, cho ra sắc thể bằng sự kết hợp với những thành tố khác. Nếu vật chất, cũng như sự hiện hữu được gọi là « vô sắc thể », chính là vì, như hiện hữu, nó tách biệt với sắc thể.
Nó không phải là hồn, là trí, là sự sống, là sắc tướng, là nguyên nhân, là giới hạn (nó là vô hạn), là tiềm năng ( nó tạo ra được những gì ?). Thiếu vắng những đặc tính ấy, nó không thể được gọi là hiện hữu.
Phải gọi nó là phi hữu, không phải theo nghĩa « phi hữu » mà người ta thường dùng để gọi chuyển động và tĩnh lặng, mà nó là phi hữu thực sự, như ảo ảnh, như bóng ma của sự vật, hay như một khát vọng hiện hữu.
Nó tĩnh lặng nhưng không bất động. Không thể thấy được tự thân nó. Nó biến khỏi tầm nhìn khi muốn thấy nó, và hiện đến khi người ta không nhìn nó, khiến cho ai nhìn thì sẽ không thể thấy được nó.
Nó mang trong nó bóng dáng của những đối nghịch, là lớn và nhỏ, tăng và giảm, thừa và thiếu.
Như bóng ma bất định, nó không thể biến mất. Nó không có năng lực cho việc ấy, không có được sức mạnh của trí tuệ, và sự hiện hữu hoàn toàn vắng mặt đối với nó.
Nó dối trá trong tất cả những gì nó hứa hẹn. Nó nhỏ bé khi người ta nghĩ là nó vĩ đại. Khi nghĩ nó tăng, thì nó giảm. Hiện hữu mà người ta mường tượng trong nó, là phi hữu, và, như một trò chơi trốn bắt, những gì người ta cho là thấy được trong nó, chỉ là lừa gạt.
Nó là bóng ma trong bóng ma. Như tấm gương, trong đó sự vật có vẻ hiện hữu, nhưng ở một nơi chốn không phải nơi chốn của chúng. Sự vật có vẻ đầy dẫy trong tấm gương, gương có vẻ chứa đựng tất cả, nhưng trong thực tế, hoàn toàn không có gì trong nó.
Plotin : Ennéades 3, 6, De l’impassibilité des incorporels