Lễ hội là dịp để con người được trở về cội nguồn, thể hiện sức mạnh dân tộc, sức mạnh cộng đồng. Tháng Giêng hằng năm, các lễ hội lại được tổ chức trải dài từ Bắc chí Nam. Mỗi lễ hội lại mang một màu sắc riêng chưa đựng những ý nghĩa lịch sử của dân tộc.
Lễ hội gò Đống Đa
Hội gò Đống Đa được diễn ra hằng năm vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội diễn ra để tưởng nhớ chiến công lẫy lừng vua Quang Trung – Người anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội mở đầu với những nghi thức trang trọng, tổ chức lễ rước Rồng lửa Thăng Long mừng chiến thắng. Sau đó là những hoạt động vui chơi, biểu diễn nghệ thuật dân gian như chọi gà, múa lân, cờ người, đấu vật. Lễ hội phù hợp với những gia đình muốn đi hội đầu năm tại Hà Nội.
Lễ hội chùa Hương diễn ra tại xã Hương sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội bắt đầu vào mùng 6 tháng Giêng hằng năm.Lễ hội Chùa Hương
Trong thắng cảnh Hương Sơn, được xem là hành trình về miền đất Phật – nơi quan thế âm Bồ Tát tu hành. Đây là một lễ hội lớn, cùng lễ hội chùa Bái Đính và lễ hội chùa Yên Tử là những lễ hội có tiếng vang lớn ở miền Bắc. Gần như năm nào lễ hội chùa Hương cũng bị quá tải về số lượng người tham dự, mặc dù lễ hội kéo dài đến tháng 3 âm lịch.
Đến hội chùa Hương, bạn có thể lễ dâng hương gồm hương,hoa, đèn nến, hoa quả và thức ăn chay. Để di chuyển đến chùa Hương, từ Hà Nội bạn đi theo hướng Hà Đông, tới Ba La, dọc theo quốc lộ 21B tới thị trấn Tế Tiêu rẽ trái khoảng 13km tới địa phận chùa Hương.Lễ hội Cổ Loa
Lễ hội Cổ Loa diễn ra từ ngày 6 đến 16 tháng Giêng tại huyện Đông Anh. Đây là lễ hội tưởng nhớ An Dương Vương – người có công dựng nước Âu Lạc.
Lễ hội tổ chức các hoạt động như lễ rước văn tế, đám rước thần. Ngoài ra, còn có vô số những hoạt động vui chơi, ca hát khác như hát cải lương, hát ca trù, hát tuồng. Thanh thiếu niên nam nữ thì có thể tham gia các trò chơi: đánh đu, đấu vật, kéo co, leo cây, thổi cơm thi, cờ người…
Đây là lễ hội thu hút đông đảo người dân quanh vùng cùng du khách thập phương đến tham dự, coi đây là dịp vui xuân có ý nghĩa.
Lễ hội Khai ấn Đền Trần
Là một trong những lễ hội nổi tiếng ở Việt Nam, lễ hội khai ấn Đền Trần diễn ra ở phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định từ ngày 14 tháng Giêng nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần. Nghi thức khai ấn với những nghi lễ truyền thống thu hút hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc về tham quan, xin ấn với mong muốn một năm mới bình an, phát tài.
Lễ hội gồm những hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú, độc đáo như chọi gà,đấu võ, đấu vật, múa lân, hát văn, múa bài bông.
Hội chùa Yên Tử
Khai hội từ ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm, lễ hội chùa Yên Tử diễn ra ở núi Yên Tử, xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 10 tháng Giêng, lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng phật, bái Tổ Trúc Lâm, văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, lễ khai ấn “ Dấu thiêng Chùa Đồng”, các trò chơi dân gian… từng bừng, nhộn nhịp.
Lễ hội thu hút đông đảo nhân dân, phù hợp du khách thập phương đến thắp nén tâm hương dâng lên Lễ Phật.
Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà tọa lạc tại phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, Bình Dương, thờ vị nữ thần hiệu là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Lễ hội được long trọng tổ chức từ đêm ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. Đông đảo và vui nhất là buổi rước kiệu Bà quanh trung tâm thành phố Thủ Dầu Một vào ngày rằm tháng Giêng.
Lễ hội thu hút đông đảo người dân, mọi người làm lễ cúng, lễ cầu phúc, cầu lộc cho năm mới.
Lễ hội núi Bà Đen
Hằng năm, bắt đầu từ mồng 4 Tết Nguyên Đán đến hết tháng Giêng, Lễ hội núi Bà Đen được tổ chức tại Tây Ninh, được đông đrao người dân ở các tỉnh lân cận như Sài Gòn, Bình Dương,… đến cầu an. Mỗi mùa xuân đến, dân chúng Nam bộ tới lễ Điện Bà đông như nước chảy. Mọi người tâm niệm rằng Lễ Điện Bà để giải tỏa nhu cầu tâm linh, cầu một năm mới sung túc, yên bình, cũng nhân dịp tham quan, ngắm phong cảnh của Núi Bà.
Gần đây, hệ thống cáp treo núi Bà đã giúp du khách được chiêm ngưỡng cảnh non bộ hùng vĩ ở nơi đây.