Nghệ thuật Khèn của người Mông Hà Giang – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Khèn Mông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây Khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Hà Giang, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch của địa phương.
Với số dân chiếm khoảng 30% dân số của Hà Giang, người Mông đóng một vai trò nhất định trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này. Một trong những giá trị đó chính là cây khèn. Cây khèn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Đó chính là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, là bản sắc của dân tộc Mông. Chính vì vậy, dù cuộc sống hôm nay có nhiều thay đổi, có không ít giá trị truyền thống đã trở thành quá khứ song người Mông vẫn giữ gìn được cây khèn của mình với kỹ năng chế tạo công phu và chuẩn xác…
Người Mông quan niệm: Là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn, chiếc khèn, tiếng khèn đã ăn sâu vào tâm trí của đồng bào dân tộc Mông từ bao đời nay, là loại nhạc cụ không thể thiếu trong các nghi lễ đám tang, lễ ma khô. Đây là loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông thể hiện sắc thái tín ngưỡng, tâm linh truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời cũng luôn là người bạn đường chung thủy của các chàng trai Mông trên đường xuống chợ hay đi rừng, đi nương, là cầu nối của tình yêu đôi lứa…Tiếng khèn như một phương tiện âm nhạc để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Người Mông dùng tiếng khèn để thay lời tương tư giữa trần gian và cõi tâm linh đồng thời thay cho tiếng khóc của người thân trong gia đình, dòng họ,
cộng đồng đối với người đã chết. Trong bất cứ hoàn cảnh nào dù vui hay buồn, dù trời nắng hay mưa, trời tối hay sáng người Mông cũng dùng tiếng khèn để phản ánh những hiện thực trên. Người Mông quan niệm rằng dù đi đâu hay sống ở đâu cũng không thể thiếu được cây khèn… Với những giá trị văn hóa độc đáo đó, Nghệ thuật Khèn của người Mông Hà Giang xứng đáng là một trong những Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.