Vừa qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam phối hợp với Hội cổ vật Thăng Long; Hà Nội tổ chức trưng bày chuyên đề “Cổ vật Việt Nam” gồm hơn 50 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc, được chọn lựa kỹ lưỡng từ bộ sưu tập của các cá nhân và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. “Cổ vật Việt Nam” gồm nhiều hiện vật làm từ các chất liệu vàng, bạc, đồng, gốm… có niên đại từ văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm tới thời các chúa Nguyễn (1533 – 1777). Cổ vật phong phú, làm bằng đồng như trống đồng, ấm, chuông, thạp, chân đèn, bình, bát, muôi, chóe… Gốm có gốm men nâu, men trắng, hoa, màu, hoa lam, men lục… Trưng bày chuyên đề mở đầu bằng các cổ vật, trống đồng Đông Sơn, công cụ đồng, tượng người và thú, dao gắn đồng, muôi đồng, đèn đồng… minh chứng cho thời kỳ rực rỡ của văn hoá Đông Sơn.
Kendy gốm thế kỷ V-VII.
Kendy gốm thế kỷ VI – VIII.
Chân đèn hình người chất liệu đồng thế kỷ IV – VI.
Nắp đồ đựng, chất liệu gốm, niên đại trước Công nguyên.
Bình chất liệu gốm, niên đại trước Công nguyên.
Nắp đồ đựng, chất liệu gốm, niên đại trước Công nguyên.
Nồi chất liệu bằng gốm, niên đại trước Công nguyên.
Lọ chất liệu gốm, niên đại trước Công nguyên.
Bát bồng chất liệu gốm, niên đại trước Công nguyên.
Nắp đồ đựng chất liệu gốm, thế kỷ I – II.
Năm 1924, nhiều cổ vật bằng đồng được phát hiện ở làng Đông Sơn bên bờ sông Mã, tỉnh Thanh Hóa. Sự phong phú về các loại đồ đồng ở đây cho thấy kỹ thuật luyện đồng hàng nghìn năm trước, từ nghệ thuật trang trí trên trống đồng Đông Sơn đến công cụ bằng đồng gắn với tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền như thần mặt trời, thần núi, thần sông, thổ sinh, thực khí, ma thuật…; thiên nhiên chan hòa với con người, cỏ cây, hoa lá, muông thú.., Đồ gốm Đông Sơn sử dụng bàn xoay, hình dáng phong phú, bố cục đối xứng ngang dọc xen kẽ. Những chiếc đèn lồng có hình người, hình thú, tượng thú, phản ánh sự tồn tại của thần linh, quan niệm tín ngưỡng thời kỳ Đông Sơn và bản sắc văn hóa, nghệ thuật Lạc Việt không bị đồng hoá bởi ách đô hộ của các triều đình phương Bắc. Mỹ thuật ứng dụng Đông Sơn được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá là huy hoàng nhất giai đoạn mỹ thuật thời tiền sơ sử Việt Nam và Đông Nam Á.
Tượng thần Brahama, niên đại thế kỷ XII – XIII.
Đồ gốm niên đại thế kỷ IV – VI.
Bát bồng chất liệu gốm, niên đại trước Công nguyên.
Bia đá thế kỷ XI.
Tượng Phật bằng gỗ, niên đại thế kỷ VI – VII.
Tượng Phật bằng gỗ, niên đại thế kỷ IV – VI.
Ngoài cổ vật văn hoá Đông Sơn, khách tham quan còn được khám phá nghệ thuật gốm cổ Việt qua nhiều thế kỷ, từ thời Lý (1010 – 1225), Trần (1225 – 1400), Lê Sơ (1428 – 1527), Mạc (1527 – 1592) tới Lê Trung Hưng (1533 – 1789). Vào thời Lý (1010 – 1225) thịnh hành các loại gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm trắng, gốm men đen, sứ màu nâu sậm. Thời Trần (1225 – 1400) bên cạnh loại gốm men ngọc, hoa nâu còn xuất hiện gốm hoa lam. Gốm men ngọc thuộc hàng cổ vật tiêu biểu của gốm thời Lý, Trần với màu men xanh lá cây từ sẫm đến vàng nhạt, xương gốm trắng mịn, hoa văn trang trí chạm chìm hoặc đắp nổi. “ Thạp gốm hoa nâu” thời Lý, Trần kế tục nhau trở thành loại gốm nổi tiếng. Đặc biệt, có sự kết hợp giữa các thủ pháp nghệ thuật điêu khắc với nghệ thuật phối hợp kỹ thuật men và màu tạo nên vẻ đẹp gốm hoa nâu. Các cổ vật gốm hoa lam thế kỷ XV – XVII làm từ đất sét trắng mịn, nung gần chảy nên xương cứng. Nét vẽ tay bằng bút lông trên sản phẩm đồ thờ cúng tạo sự khoáng đạt, thông thoáng, không lệ thuộc vào các hình mẫu tả thực. Sự phát triển rực rỡ của gốm sứ giai đoạn này đưa sản phẩm gốm sứ Việt theo con đường tơ lụa xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến thời nhà Nguyễn (1802 – 1945), pháp lam Huế, một loại hình trang trí, đã được dùng để gọi tên cho kỹ nghệ chế tác pháp lam ở Việt Nam, khẳng định dấu ấn sáng tạo của người Việt, của văn hoá Việt Nam, minh chứng cho nền kinh tế – chính trị những năm độc lập, tự chủ thời Nguyễn. Hiện vật cặp bình choé có nắp đồng pháp lam, hiệu “Minh Mạng niên chế” (1820 – 1840) trang trí đa dạng với các đồ án từ hoa lá, tứ linh, bát bửu, sơn thuỷ, màu sắc phong phú, phối màu hợp lý, tinh tế.
Nhẫn chất liệu vàng, niên đại thế lỷ III – VII.
Hạt chuỗi chất liệu vàng, niên đại trước Công nguyên.
Lá dập nổi hình mặt người, chất liệu vàng, niên đại trước Công nguyên.
Một góc trưng bày chuyên đề ‘Cổ vật Việt Nam’.
Nghề kim hoàn truyền thống Việt Namnổi tiếng với các kỹ thuật chạm, đậu, trơn, đạt đến độ tinh xảo. Kĩ thuật chạm thể hiện sự khéo léo, đạt đến tầm nghệ thuật qua phương pháp chạm trổ những hình vẽ hoa văn trên mặt đồ vàng, bạc. Kĩ thuật đậu là kéo vàng, bạc, rồi uốn ghép thành hình hoa lá, chim muông gắn lên đồ trang sức. Kĩ thuật trơn chuyên đánh vàng, bạc thành những đồ trang sức không cần chạm trổ. Bộ sưu tập đồ trang sức vàng, bạc thời các chúa Nguyễn trưng bày gồm: vòng tay, trâm cài, vòng cổ, nhẫn.., được sưu tập 5 năm trước và đây là lần đầu tiên trưng bày, giới thiệu tới công chúng Thủ đô. Các hiện vật quý giá được trưng bày trong chuyên đề ‘Cổ vật Việt Nam’ góp phần giới thiệu tới công chúng trong nước, bạn bè quốc tế những nét tinh hoa, giá trị lịch sử cũng như văn hóa đặc sắc của Việt Nam./.