Lễ hội đức Thánh Quý Minh Đại vương, được tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội năm nay khai mạc sáng 6/5 với nhiều nội dung phong phú, đặc sắc như lễ dâng hương, rước kiệu và rước chân nhang từ đền Trần về đền Suối Tiên; lễ rước nước và nghi lễ dâng hương tại đền Suối Tiên và Hành cung Vũ Lâm, thể hiện những ước muốn của người dân cầu mong trời đất, tổ tiên phù hộ độ trì cho cuộc sống bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.

Lễ hội khởi đầu bằng màn rước vượt qua 5km đường thủy, xuyên qua 11 hang động trên dòng sông Sào Khê. Sau đó, đoàn rước chia làm hai, một nửa tiếp tục hành trình dưới sông cập bến đò đền Trần, nửa còn lại lên bờ vượt qua 3 quả núi với chiều dài khoảng 3km để cùng nhau hội tụ tại sân trước đền Trần, đồng cử hành các nghi thức tế lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo thần tích và truyền thuyết dân gian, Đức Thánh Quý Minh Đại vương là một vị thủy thần đã có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Nam Sơn (trấn Nam thuộc Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời vua Hùng Duệ Vương (tức đời Vua Hùng thứ 18).

Thần Quý Minh hay Quý Minh đại vương là tên gọi của một vị thần trong truyền thuyết Việt Nam. Theo tín ngưỡng Việt Nam, Sơn Tinh, Thần Cao Sơn và thần Quý Minh thường là những hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tức em của Hùng Vương.[1] Tuy nhiên, khác với hai vị thần núi kia được thờ ở những vùng núi cao, thần Quý Minh thường được coi là vị thổ thần, thủy thần và thờ phụng ở những vùng trũng hoặc đồng bằng. Cũng giống như các truyền thuyết về thần Cao Sơn, thần tích nguồn gốc thần Quý Minh ở các đền thờ có nhiều dị bản:

Trong địa bàn xứ Kinh Bắc các tục thờ thần thường gắn liền với truyền thuyết về thần Cao Sơn và thần Quý Minh mà ít thờ Sơn Tinh. Theo thần tích làng Ngâm Mạc, Gia Bình, Bắc Ninh: Vào đời Hùng Duệ Vương có hai vợ chồng người Hồng Châu đến chùa Thiên Thai cầu tự. Từ đấy sinh ra một bọc hai con trai, đặt tên là Cao Sơn và Quý Minh. Khi Hùng Duệ Vương cho tìm người tài, cả hai bèn đến chầu, Vua phong cho làm Đô chỉ huy sứ Tướng quân. Thục Phán An Dương Vương dấy quân, vua sai hai người đem quân đi bình giặc. Hai người cùng đem quân đến núi Sóc Sơn, đạo Kinh Bắc, mới đánh một trận giặc Thục thua chạy. Vua ban cho ngài thực ấp ở đạo Kinh Bắc. Ngài về chỗ trú sở đóng quân trước, rồi hoá vào ngày 12 tháng 11.[2]
Theo truyền thuyết ở vùng văn hóa xứ Đông như Hải Phòng, Hải Dương thì thần Quý Minh lại là một vị thủy thần, cai quản vùng sông nước và là người đã giúp Sơn Tinh đánh dẹp Thuỷ Tinh. Thần Quý Minh được coi như một biểu tượng của sự chiến thắng giặc nước cũng như các thế lực cuồng phong của thiên nhiên của dân vùng trũng[3].
Ở vùng văn hóa xứ Đoài thì các thần tích cho biết Quý Minh và Cao Sơn là em họ của Sơn Tinh. Khi thờ thì một vị ở bên trái và một vị bên phải. Thần tích đình làng Ích Vịnh, xã Phương Đình (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: Hùng Duệ vương khi bị quân nhà Thục từ Ai Lao tiến đánh, định cướp ngôi. Ba anh em Sơn thánh vâng lệnh nhà vua, quyết phá tan quân Thục. Hiển Công (tức Quý Minh) xuất quân qua đất Phấn Lôi (Ích Vịnh ngày nay) chiêu mộ thêm quân sĩ, phá tan giặc nhà Thục. Hiển Công được phong Quý Minh Đại vương, ông xin trở lại Phấn Lôi lập ấp. Rồi một ngày kia, Quý Minh đang đi du ngoạn trên núi Tản Viên, bỗng gió mưa, sấm chớp nổi lên, đất trời u ám. Một tiếng vọng lớn từ vách núi: “Nay triệu Quý Minh về cõi thọ/Cùng lên Thiên giới họp quân thần”. Quý Minh hóa ngay thành mây gió.

Nhân dân Phấn Lôi lập miếu, viết Duệ hiệu phụng thờ. Nhiều đời đế vương gia phong là Thượng đẳng phúc thần. Theo truyền thuyết dân gian xứ Sơn Nam, Đức Thánh Quý Minh Đại Vương là một vị thủy thần, là người có công trấn giữ vùng chiêm trũng ải Sơn Nam (trấn nam Hoa Lư tứ trấn), bảo vệ đất nước thời vuaHùng Duệ Vương (tức vua Hùng thứ 18).[5] Người là một “thượng đẳng thần”, được các nhà vua qua nhiều triều đại ban sắc phong, được nhân dân khắp xứ này thờ phụng.

Đền chính được Vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng tại thành Tràng An ở cố đô Hoa Lư, sau vua Trần Thái Tông cho xây dựng lại với quy mô như ngày nay.[6] Xung quanh khu vực này còn nhiều đền thờ Quý Minh Đại Vương như: đền Dưỡng Khê, đền Quý Minh Đại Vương, đền Đô ở xã Ninh Nhất, chùa Đẩu Long và đền Hiềm phường Phúc Thành thành phố Ninh Bình[7] Xa hơn là các di tích ở làng Thiện Trạo, xã Ninh Sơn và làng Phúc Trì, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình), đền Miếu Sơn (Ninh Vân, Hoa Lư), đình Sinh Dược, đình Bình Khang (Liên Sơn, Gia Viễn), đền Quảng Phúc (Yên Phong Yên Mô), Đình Hàng Xã, Thanh Lạc, huyện Nho Quan.

Trên thực tế Cao Sơn, Quý Minh được các thần tích ghi chép lại và được truyền thuyết hoá rất nhiều nơi với những dạng thức khác nhau như được ghi chép dưới dạng thần tích theo kết cấu hoàn chỉnh: sự ra đời, chiến công và hoá thân, cũng có khi họ hiện lên dưới báo mộng, phù trợ giúp các tướng lĩnh đời sau đánh giặc ngoại xâm.

Tương truyền, đền thờ Đức Thánh Quý Minh Đại vương được vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng vào thế kỷ thứ 10, với mong muốn mượn uy danh của Ngài để trấn theo 4 hướng Đông-Tây-Nam-Bắc.

Phía Đông có tượng Phật A Di Đà được thờ ở núi Cánh Diều. Phía Tây có đền thờ Thánh Cao Sơn ở khu tâm linh núi chùa Bái Đính. Phía Bắc có đền thờ Trấn Vũ Thiên Tôn. Phía Nam thờ Đức Thánh Quý Minh Đại vương.

Đền Trần và Hành cung Vũ Lâm nằm trong vùng lõi của Quần thể Danh thắng Tràng An thuộc địa bàn 4 xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Ninh Vân (huyện Hoa Lư). Đây từng là căn cứ địa của các vua thời đầu nhà Trần cùng bề tôi củng cố lực lượng, rèn khí luyện binh chờ thời cơ phản công đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, giải phóng nước Đại Việt. Nơi đây còn gắn liền với sự kiện các vua Trần xuất gia tu hành, mở mang đạo Phật.

Sau cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đã nhường ngôi cho con và trở về Hành cung Vũ Lâm lập chùa, đền Trần và đền Suối Tiên để tu hành. Đây cũng là nơi xuất gia tu hành đầu tiên của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thời gian vào khoảng tháng 7 năm Giáp Ngọ 1294.

Hiện tại, đền Trần nằm dưới mái đá trong một thung lũng nhỏ, được vây kín chung quanh bởi các dãy núi đá vôi dựng đứng thuộc vùng lõi của Quần thể Danh thắng Tràng An vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Theo đánh giá của phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, ngoài việc thu hút số lượng lớn người dân đến hành lễ cầu may, đền Trần còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp của các điêu khắc trên hệ thống cột đá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn đầu thế kỷ 20.

Các cột đá chạm nổi hình tượng cá chép hóa rồng, đại bàng trên núi, văn phòng tứ bảo, cầm kỳ thi họa, mai-lan-cúc-trúc, liên-áp (sen-vịt) là những chủ đề cầu phúc phổ biến thời phong kiến. Điều đáng nói là lối điêu khắc trên đá được thể hiện ở đền Trần vừa trau chuốt, vừa giản dị, linh hoạt, mang sắc thái đặc trưng.

Trước đó, tại khu vực thung đền Trần, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện thấy dấu tích của một nền đất đắp hình chữ nhật, có tên là Nền Đình nằm ở giữa thung lũng. Cách đó vài trăm mét, về phía tây nam của Nền Đình là khu vực Lò Gốm. Một số mảnh gốm men trắng có thể thuộc thời Lê Trung Hưng cũng đã được đoàn khảo sát thu lượm.

Trong quá trình khai quật và khảo sát các địa điểm có dấu tích văn hóa tiền sử, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện các địa điểm xuất lộ gốm, gốm men và đồ sành.

Sưu tầm