Theo quan niệm của chúng tôi và phần lớn các nhà nghiên cứu Việt Nam, thì người Việt cổ được coi là tổ tiên của người Việt hiện nay chính là chủ nhân của lớp văn hoá bản địa. Quan tâm, tìm hiểu về nguồn gốc và tổ tiên giống nòi, cũng như nền văn hoá bản địa được ông cha ta tạo dựng cách đây khoảng từ 2500 – 2700 năm dưới thời các vua Hùng dựng nước Văn Lang, sẽ giúp chúng ta có được khái quát chung về lớp văn hoá bản địa do người Việt cổ tạo dựng nên trước khi bị phong kiến phương Bắc đô hộ, bao gồm toàn bộ hệ các giá trị của văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần vô cùng phong phú, đa dạng và mang bản sắc riêng rất độc đáo.
Căn cứ vào các nguồn tài liệu đã công bố của khảo cổ học, dân tộc học, văn hoá dân gian (Folklore học hay dân tục học – NQL), nhân chủng học, ngôn ngữ học…, thì người Việt cổ chính là lớp cư dân đầu tiên tụ cư sinh sống trên địa bàn nước Văn Lang của các vua Hùng theo truyền thuyết, tiếp đó là cư dân của nước Âu Lạc thời An Dương Vương, đến cư dân thời Hai Bà Trưng (thế kỷ I) và có thể đến cư dân thời Bà Triệu (thế kỷ III) theo sử sách.
Các thư tịch cổ của Trung Quốc đều nói về điều này, và cho rằng cư dân cổ ở vùng Bắc Bộ của Việt Nam là người Lạc Việt. Chẳng hạn như Dư địa chí của Cố Dã Vương có ghi: “Giao Chỉ đời Chu là Lạc Việt, đời Tần là Tây Âu tức Tây Âu Lạc”. Trong sách Giao Châu ngoại vực ký dẫn ởsách Thủy Kinh chú, nói rằng: “Giao Chỉ lúc chưa có quận huyện (có nghĩa là chưa bị thống trị của người Hán), ruộng thì gọi là ruộng Lạc, dân thì gọi là dân Lạc”.
Cho đến cuộc xâm lược của Mã Viện vào những năm đầu thập niên 40 đầu Công nguyên, để chống lại cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, thì người dân ởvùng đất này vẫn được sách Hậu Hán thư gọi là người Lạc Việt. Như vậy, rõ ràng cư dân sinh sống ở thời kỳ này đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chính bản thân Hai Bà Trưng, cùng các tướng lĩnh đều là người Lạc Việt hay người Việt cổ, là tổ tiên của người Việt (Kinh) hiện nay.
Hơn nữa, trong sách Hậu Hán thư, phần Mã Viện truyện còn chép rằng: “Viện thích cưỡi ngựa, giới phân biệt ngựa hay, được trống đồng Lạc Việt ở Giao Chỉ, bèn đúc thành các kiểu ngựa đem về dâng vua”. Cuốn Lâm Âp ký dẫn ở sách Thủy kinh chú cũng chép tương tự sách Hậu Hán thư rằng: “Cửa ấy thông với Đồng Cổ, ngoài vượt đến Hoàng Cương Tâm khẩu huyện An Định. Nhờ cửa sông ấy mà qua Đồng cổ, tức đất Lạc Việt. Vi ở đấy có trống đồng nên gọi tên là Đồng cổ. Mã Viện lấy trống đồng ở đấy để đúc ngựa đồng”. Như vậy, những người Lạc Việt mà Mã Viện gặp ở đất Giao Chỉ là những người đúc trống đồng và là chủ nhân chính hiệu của những chiếc trống đồng này thuộc nền văn hoá Đông Sơn của nước ta.