Nhắc đến lù cở (còn gọi là gùi – thồ hoặc địu) là nói đến một trong những vật dụng phổ biến nhất trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Mông ở vùng cao Lào Cai nói riêng.

Đối với họ, lù cở không chỉ là đồ đựng thuần túy mà còn là vật trang trí, thể hiện óc thẩm mỹ và bàn tay khéo léo, tài hoa của đàn ông người H’Môngđã biến những sợi tre, nứa thành những chiếc lù cở tinh xảo…

Không riêng gì dân tộc H’Mông sử dụng gùi

Trong cuộc sống của đồng bào vùng cao, người H’Mông quen dùng ngựa thồ và chiếc lù cở có hai quai đeo vai. Cùng với đan lù cở, người Mông còn phát triển đa dạng các nghề thủ công như: làm yên cương ngựa, đẽo thân cày từ gỗ, đan lát nong nia và một số vật dụng khác từ tre, nứa. Gùi lù cở trên lưng là một trong những cách thức vận chuyển từ xa xưa, nhưng đến nay vẫn theo từng bước chân của người vùng cao. Mỗi dịp lên vùng cao Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai… hình ảnh thân quen dễ bắt gặp nhất là chiếc lù cở trên lưng mọi người khi đi làm nương hoặc xuống chợ. Thú vị nhất là hình ảnh khi người phụ nữ lên nương, có con nhỏ thường mang theo lù cở để cho con ngồi vào trong đó, chỉ cần xoè một chiếc ô, là em bé có ngay một chỗ ngủ ngon lành.

Trên những nẻo đường xuống chợ, là những lù cở đầy rau xanh, có khi là con gà thò mỏ ra, hay một can rượu ngô vừa nấu… Khi phiên chợ tan thì chiếc lù cở lại làm nhiệm vụ chuyên chở bao nhiêu vật dụng thiết yếu, là cân muối, là cân thịt lợn, là những cuộn chỉ thêu… theo chân người về bản. Với chiếc lù cở trĩu nặng trên vai, đôi chân của đồng bào H’Mông sống trên vùng cao mỗi ngày không biết đi bao nhiêu cây số đường núi để lên nương, xuống chợ. Bất cứ lúc nào, trên đường đi nương, khi trở về với chiếc lù cở đầy ngô, rau, cỏ, hay lúc gùi hàng mang xuống chợ phiên, đôi tay của các bà, các chị, thậm chí cả các bé gái cứ thoăn thoắt tước lanh, đôi chân thì vẫn mải miết. Giữa mênh mông núi rừng, thỉnh thoảng xuất hiện một vài người Mông gùi củi, gùi rau, cỏ nơi núi cao, vách đá cheo leo.

Chính vì là vật dụng không thể thiếu của đồng bào H’Mông, nên hầu như chợ phiên nào ở vùng cao: Pha Long (Mường Khương), Cán Cấu, Sín Chéng (Si Ma Cai), hay chợ Bắc Hà đều có hẳn một dãy hàng chuyên bán lù cở. Không chỉ làm sẵn mang đến chợ bán, ở những chợ phiên này, chúng tôi còn bắt gặp hình ảnh một vài người H’Mông ngồi đan lù cở ngay tại chợ. Họ đan trong lúc rảnh rỗi vắng khách mua hàng. Ngoài việc làm ra sản phẩm để bán, người H’Mông còn tạo nên một nét đặc sắc riêng về nghề truyền thống của dân tộc mình.

Vừa nhanh tay thoăn thoắt uốn từng nan tre theo hình dạng trụ tròn, hơi loe về phía miệng mà không cần khuôn mẫu, ông Giàng Lù Pao, một trong những người bán lù cở ở chợ Bắc Hà cho biết: Ông học đan lù cở từ khi còn niên thiếu do bố ông dạy, sau này lớn lên đan để dùng, giờ thì ngoài thời gian lên nương, mỗi phiên chợ ông lại tranh thủ mang lù cở ra chợ bán, cũng cho một nguồn thu nhập kha khá. Chiếc lù cở của người H’Mông được đan từ tre, nứa, không có nắp đậy như một số dân tộc thiểu số khác, nhưng trên viền lù cở, được bện xoắn hình vặn thừng rất khéo léo. Hai chiếc quai đeo mềm mại được làm từ thân cây móc mọc trong rừng, tết chắc chắn và đính vào thân lù cở để khi đeo, dù có gùi nặng đến mấy cũng không thấy đau vai.

Sau khi xem những người bán lù cở ngồi đan lát ngay tại chợ, chúng tôi đã dạo một vòng quanh chợ Bắc Hà, chốc chốc lại bắt gặp một phụ nữ đeo lù cở trên lưng, như một vật bất ly thân của người Mông vậy. Trên lưng những phụ nữ Mông là lù cở đựng đầy sản phẩm váy áo, mũ thổ cẩm để bán cho khách du lịch. Bên dãy hàng hạt giống nông nghiệp của mấy phụ nữ Mông, lù cở được dùng làm quầy hàng di động, để kê chiếc phản bày hàng hoá. Với chị bán xôi bảy màu, lù cở cũng được dùng làm vật đựng xôi quen thuộc trong mỗi buổi chợ phiên. Phía bên ngoài cổng chợ, những thiếu nữ Mông dập dìu váy áo thổ cẩm đang hàn huyên, trên lưng vẫn không thể thiếu chiếc lù cở quen thuộc…

Ngày nay, ở Bắc Hà hay Sa Pa, nơi thường đón nhiều đoàn khách du lịch, trong những nhà hàng, khách sạn đã trang trí rất nhiều vật dụng quen thuộc, thường ngày của đồng bào H’Mông như: thổ cẩm, khèn và cả những chiếc lù cở để tạo nên một dáng vẻ mang bản sắc vùng cao Lào Cai. Thế nên có dịp lên Sa Pa, trên phố Cầu Mây, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp những chiếc lù cở đựng đầy những bông hoa chuối rừng đỏ tươi, được kê ngoài cửa ra vào, nhìn rất thích mắt.

Chợ bán gùi

Lù cở không chỉ là vật dụng thiết yếu của người H’Mông, mà còn chứa đựng cả nét văn hoá, người Mông đã “thổi hồn” vào tre, nứa, tạo nên một sản phẩm giản dị, nhưng đầy tiện ích, mang ý nghĩa lớn trong cuộc sống thường nhật của miền sơn cước.