Quy luật phát triển cơ bản của lịch sử Việt Nam là dựng nước đi đôi với giữ nước đã hun đúc nên tư tưởng yêu nước truyền thống và độc lập tự chủ. Tư tưởng truyền thống đó luôn tương tác với tư tưởng chính trị pháp lí chính thống của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Ở Việt Nam, trung quân phải ái quốc; đại nghĩa là phải biết đặt quyền lợi của dân tộc, của quốc gia lên trên quyền lợi của gia tộc, dòng họ.

Những hành vi chính trị của Thái hậu Dương Vân Nga, của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo… thể hiện sâu săc điều đó. Tư tưởng truyền thống ấy còn được thể hiện trong tư tưởng và chínhsách cai trị nghiêm khắc của Lê Thánh Tông: “Một thước núi, một tấc sông của ta không nên vứt bở. Nếu… dám lấy một thước một tấc đât của Thái Tổ mà đút mồi cho giặc thì phải tội tru di”.

Hình thành từ thực tiễn phát triển của lịch sử Việt Nam, tư tưởng chính trị pháp lí làng xã cổ truyền bao gồm: Tư tưởng tự trị-tự quản, tư tưởng trọng lệ hơn trọng luật, tư tưởng lão quyền, tư tưởng, tộc quyền và tư tưởng địa vị quan liêu. Tư tưởng chính trị-pháp lí làng xã là tư tưởng phi chính thống, nó vừa có mặt mâu thuẫn song lại có mặt thống nhất với tư tưởng chính trị-pháp lí chính thống và có ảnh hưởng đáng kể tới quá trình hình thành và phát triển của các thiết chế Nhà nước và pháp luật phong kiến Việt Nam. Bộ máy tự trị-tự quản làng xã và công cụ quản lí của nó là hệ thống lệ làng dưới hình thức hương ước được nhà nước phong kiến thừa nhận là một minh chứng cụ thể.

Đồng thời với các tư tưởng truyền thống, cấu trúc xã hội truyên thống “nhà – làng – nước” đã góp phần hình thành thế ứng xử chính trị hoà đồng, mềm dẻo giữa làng và nước.

     Như vậy, hình thành trên cơ sở kinh tế-xã hội có những đặc trưng riêng và luôn có sự tương tác giữa tư tưởng chính trị-pháp lí chính thống với các tư tưởng chính trị-pháp lí truyền thống và phi chính thống khác, đường lối cai trị của Nhà nước phong kiến Việt Nam là đường lối cai trị kết hợp giữa đức trị với pháp trị. Vua Gia Long đã tổng kết khái quát đường lối cai trị đó trong lời tựa của bộ Hoàng Việt luật lệ: “Bậc thánh nhân cai trị thiên hạ bằng hình phạt và đức hoá, hai việc ấy xưa nay chưa để lệch lạc bao giờ”.