Sự phát triển của sức sản xuất với sự xuất hiện của sản phẩm thặng dư trong xã hội đã dẫn đến sự tích tụ và phân hoá giàu nghèo. Kết quả khảo cổ học nghiên cứu về những khu mộ táng thời kì Hùng Vương cho thấy có sự khác biệt rõ ràng về cách thức mai táng, số lượng và giá trị đồ tuỳ táng giữa các chủ nhân của những ngôi mộ. Tuy nhiên, sự phân hoá giàu nghèo đó chưa thật sâu sắc.
Những mộ có nhiều hiện vật chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ và thường có công cụ sản xuất trong đó. Điều đó chứng tỏ lớp người giàu sang chưa hoàn toàn cách biệt và đối lập với nhân dân lao động. Loại mộ phổ biến, chiếm đa số vẫn là những mộ có cách mai táng bình thường (mộ đất, mộ vò úp…), có số lượng đồ tùy táng trung bình. Có thể hình dung ra bức tranh tổng thể về xã hội bấy giờ là trên cơ sở tan rã của cộng đồng nguyên thuỷ, một số người rơi xuống địa vị thấp kém, một số người khác vượt lên trên và có nhiều của cải, còn lại đa số dân cư có mức sống trung bình.
Bức tranh đó cũng được phác thảo trong truyền thuyết dân gian và thư tịch cổ. Theo truyền thuyết dân gian được tập hợp trong Lĩnh Nam chích quái và thư tịch cổ (Việt sử lược, Đại Việt sử kí toàn thư…), trong xã hội thời Hùng Vương có lớp người thống trị gồm Hùng Vương, lạc hầu, lạc tướng, bồ chính, quan lang, mị nương., và lớp người lao động thấp kém gọi là thần bộc nữ lệ hay nô tì..Những thư tịch xưa nhất của Trung Quốc như Giao châu ngoại vực kí, Quảng châu kí chép về tình hình nước ta trước thời Bắc thuộc, có nói tới lớp dân cư đông đảo trong xã hội gọi là “dân Lạc” – những thành viên của công xã nông thôn.
Về mức độ của sự phân hoá xã hội cuối thời Hùng Vương hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Một số học giả cho rằng, xã hội đó đã phân chia thành giai cấp, tuy chưa ở mức độ sâu sắc như phương Tây cổ đại, bởi chỉ khi nào có giai cấp mới có nhà nước. Còn phần đông các học giả cho rằng, xã hội cuối thời Hùng Vương chưa phân chia thành các giai cấp mà mới phân chia thành các tầng lớp nhưng nhà nước vẫn xuất hiện bởi còn do những yếu tố khác thúc đẩy.