Điểm danh những phong tục truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán đang bị mai một dần…
Về cơ bản, mọi tập tục ngày Tết vẫn được gìn giữ, duy trì và phát huy đến tận ngày nay. Nếu như những tập tục có thay đổi cũng chỉ có ít nhiều về mặt hình thức nhưng nét đẹp trong văn hóa vẫn còn nguyên vẹn.
Trong cuộc sống đương đại hiện nay, việc giao lưu tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, từ đó nhiều thành tố, khía cạnh mới của văn hóa xuất hiện. Lý do này đã khiến một số phong tục ngày Tết Việt Nam được điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại”.
Gói bánh chưng
Một ví dụ dễ thấy nhất là tục gói bánh chưng ngày Tết. Trước đây cứ đến dịp Tết nhà nào cũng chuẩn bị gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong để gói và luộc bánh chưng.
“Tôi rất nhớ cảm giác khi còn nhỏ được quây quần với cha mẹ, các thành viên trong gia đình ngồi trông một nồi bánh chưng đun trên bếp củi.
Mùi khói bếp, mùi lá dong, ,mùi của nồi nước hương mùi già đun ghé bên cạnh nồi bánh chưng hòa quyện cùng chút hương thơm của khoai lang mật vùi bếp lửa,… là những hương vị Tết xưa mà ở cuộc sống thành thị ngày nay khó có thể tìm thấy.
Cảm giác háo hức đợi vớt những chiếc bánh chưng nhỏ chín trước mà bố mẹ gói cho con trẻ đem lại một không khí rất Tết”, Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo chia sẻ.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay người ta không cần chờ đến Tết mới được ăn bánh chưng. Bánh chưng đã có hàng ngày. Sự phát triển của các dịch vụ thương mại khiến nhiều người không còn tự gói bánh chưng, vậy nên hiện nay đến ngày Tết không phải nhà nào cũng phải gói bánh chưng nữa.
Tất nhiên vẫn còn rất nhiều gia đình gìn giữ tục gói bánh chưng ngày Tết để tăng sự gắn kết tình cảm gia đình và truyền dạy cho con cháu những hoạt động ý nghĩa của ngày Tết dân tộc. Đó là một điều rất đáng quý bởi điều này đang góp phần duy trì những chức năng quan trọng của văn hóa đó chính là chức năng giáo dục, chức năng kế thừa, kế tục lịch sử.
Tắm lá mùi già vào chiều 30 Tết
Bên cạnh đó cũng có rất nhiều phong tục đang dần mai một, ví dụ như tắm tất niên bằng nước lá mùi già hoặc hương nhu. Cuộc sống hiện đại ngày nay với bộn bề công việc, cùng với sự tiện lợi của rất nhiều sản phẩm dầu gội, sữa tắm, nên không phải gia đình nào cũng sẽ đun một nồi nước mùi già, lá thơm trong ngày 30 Tết để cả nhà tắm rửa.
Việc tắm lá mùi ngày nay vẫn được thực hiện giống như một sự tượng trưng về mặt giá trị tinh thần.
Kiêng quét nhà ngày Tết
Ngày Tết cũng có tục kiêng hót rác đổ đi, chỉ vun vào một góc, đợi vài ba hôm mới đem đi đổ, với quan niệm quét nhà, hót rác ngày đầu năm mới là quét hết tài lộc ra khỏi nhà. Cuộc sống hiện đại với nhiều sản phẩm robot quét nhà, máy hút bụi,… Ít nhiều gia đình đã thay đổi thói quen này.
Đốt pháo đêm giao thừa
Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo, đốt pháo đêm giao thừa đến nay cũng không còn nữa. Người xưa đốt pháo để trừ ma quỷ; tiếng pháo cũng được quan niệm tượng trưng cho tiếng sấm, liên quan đến tín ngưỡng cầu mưa của nhóm cư dân làm nông nghiệp lúa nước, báo hiệu cho một năm vụ mùa bội thu. Ngày xuân tiếng pháo cũng làm cho Tết thêm vui, nhộn nhịp.
Một số tập tục khác đang được thay đổi
Không chỉ có vậy, một số tục lễ như đốt vàng mã cũng đã được nhiều người hạn chế và thay đổi để bảo vệ môi trường, tránh lãng phí. Hay tục lì xì đầu năm cũng ít nhiều thay đổi, xưa kia lì xì chỉ là một số tiền rất nhỏ để tượng nhưng cho sự may mắn nhưng ngày nay lì xì cũng có nhiều biến tướng xảy ra, lợi dụng tục lì xì để biếu xén, trao qua đổi lại như món nợ đồng lần.
Bên cạnh đó nhiều người vẫn tìm ra những cách thay đổi để giữ gìn tục lì xì này, thay vì tặng số tiền lớn người ta có thể tặng sách cho trẻ nhỏ.
Ngày xưa các cụ vẫn có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thế nhưng giờ đây trong cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc chơi Tết chỉ được hạn chế trong một vài ngày nhất định để mọi người nhanh chóng quay trở lại guồng quay cuộc sống, đảm bảo yêu cầu công việc và năng suất lao động.
Tết trong cuộc sống đương đại ít nhiều thay đổi để phù hợp với các yếu tố khách quan, nhưng về mặt cơ bản những điều tốt đẹp của truyền thống vẫn được phát huy, giữ gìn