Miền Trung có đặc điểm chung về điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên ẩm thực nói chung và các món ăn trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung cũng có những sắc thái đặc trưng. Cuộc sống tuy có khó khăn nhưng đến ngày Tết, mâm cơm cúng giao thừa, đón ông bà cũng như mâm cơm đầu năm cũng phải đầy đủ, tươm tất với ước mong cả năm được sung túc đầy đủ.

Ngoài một số tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn mang sắc thái của cỗ miền Bắc với quan niệm “mâm cao, cỗ đầy”. Mâm cỗ các tỉnh này vẫn không thiếu các món: bánh chưng, thịt đông, giò lụa, nem chua, măng hầm giò heo, miến gà. Các tỉnh còn lại có nhiều điểm khác biệt với cỗ miền Bắc, món bánh chưng được thay bằng bánh tét, không ăn dưa hành mà là dưa món và nổi bật là các món bánh phong phú và đa dạng.

Các loại bánh này có đặc điểm là ngọt đậm, được chế biến bằng cách hấp, nướng hoặc sấy kỹ để có thể dùng ăn dần đến cả tháng vẫn không hư hỏng. Có thể kể các loại bánh tổ, bánh nổ, bánh in, bánh thuẩn, bánh già lam, bảy lửa, bánh đậu xanh sấy, cốm,….

Những món ăn ngày Tết của người miền Trung thường chú trọng nhiều đến yếu tố lưu trữ. Món bánh tét thì được gói thật chặt, nhân bánh chỉ đơn giản có đậu xanh, và lượng đậu xanh trong bánh cũng không quá nhiều, vì vậy có thể để giành được gần cả tháng. Món dưa món dùng ăn chung với bánh tét được làm từ đu đủ, củ cải trắng và cà rốt phơi khô, ngâm với nước mắm được, để lâu đến mấy tháng vẫn giòn, ngon. Ngoài ra, mâm cỗ ngày tết miền Trung còn có những món thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm, món tré, chả, nem. Miền Trung còn  là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” trong phong cách ẩm thực.

Trong bữa ăn hàng ngày, hầu như loại thức ăn nào cũng có thể trở thành món cuốn đối với người miền Trung, từ thịt luộc cuốn bánh tráng, nem lụi cuốn bánh tráng, rồi thịt kho, cá kho, cá hấp cũng có thể cuốn chung với bánh tráng và rau sống. Mà không chỉ với các loại rau xà lát, rau thơm thường thấy, còn là rau muống, rau chuối cũng có thể cho chung vào để cuốn. Mâm cơm ngày Tết của các tỉnh miền Trung vì vậy không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn với các món thịt kho, thịt phay, thịt ngâm nước mắm, nem chua, chả, tré, thịt bò nướng sả. Bên cạnh đó còn có các món trộn như có thịt gà trộn rau răm, vả trộn, măng trộn, mít trộn là những món nguội giành trong mâm cỗ của người Trung, thường được dọn vào đầu bữa ăn để dùng như món khai vị.

Với Huế, mâm cỗ Tết có phần phong phú và đặc sắc hơn. Trong bài này chưa đề cập đến các món ăn trong cỗ Tết cung đình Huế. Trong dân gian, cỗ Tết ở Huế chú ý nhiều đến các món bánh mứt cũng như món ăn thể hiện sự khéo léo, chăm chút của người phụ nữ ở đây. Bên cạnh những món vả trộn, gà trộn rau răm, thì món gỏi thập cẩm được coi là một món ăn thể hiện sự cầu kỳ, khéo léo thường được làm vào dịp đầu năm vì có màu sắc đẹp, nguyên liệu phong phú, đa dạng. Sau đĩa gỏi, cỗ tết ở Huế còn có các món dùng với cơm bò nấu thưng, bò ngâm nước mắm, cá chiên, chả ram và các món canh giò heo hầm, canh thập cẩm. Bữa cỗ cũng không thể thiếu các món nem, chả, tré là đặc trưng trong ẩm thực Huế. Đặc biệt mâm cỗ tết ở Huế còn thường thấy một chén nhỏ mắm tôm chua. Mắm là một đặc trưng của ẩm thực Việt Nam.

Người ta có thể ăn mắm quanh năm, nhưng mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc và miền Nam, thường ít thấy món mắm, do quan niệm ngày xưa cho món mắm là món ăn của nhà nghèo. Tuy nhiên, chén mắm tôm chua trong mâm cỗ Huế là một nét đặc sắc hiếm có. Ngày nay, khi kinh tế đầy đủ, bữa ăn ngày Tết với các món ngon từ thịt, cá làm người ta dễ chán, thì món mắm lại được chú ý.

Các bà nội trợ ngày nay, từ Bắc đến Nam lại thường có thói quen chuẩn bị trong nhà vài món mắm giành cho những ngày đầu năm, phòng khi cả nhà đã chán thịt mỡ, cá tôm. Cuối cùng, trong bữa cỗ Huế, các món bánh, mứt mới là món thể hiện được hết sự khéo léo của người phụ nữ Huế. Có thể kể món bánh đậu xanh nặn hình trái cây, bánh bó mứt hoặc món mứt quất làm thành nguyên quả và các món  mứt gừng xăm, gừng khô, mứt sen. Phần lớn là những thức ăn ngọt có thể bảo quản dài ngày, ra đến ra giêng vẫn còn hương vị.