Sau khi hô hào « hãy tự đốt đuốc mà đi », rồi gạt bỏ siêu hình học, ảo tưởng hệ thống, và khẳng định các quy luật luân lý không đến từ bên ngoài mà vốn hiện hữu trong thâm tâm của mỗi người, Kant vạch ra những lầm lẫn thông thường để làm sáng tỏ vấn đề bổn phận và trách nhiệm trong triết học luân lý.  

Cứ đơn thuần xét theo lý trí, thì Con Người chỉ có bổn phận với Con Người (bản thân mình hay người khác). Thật vậy, bổn phận của nó đối với một đối tượng nào đó chính là sự ràng buộc luân lý áp đặt bởi đối tượng này (…). Mà trong toàn bộ kinh nghiệm nhân sinh, không bao giờ có ai tìm ra được một hiện hữu nào có thể mang những ràng buộc luân lý, ngoại trừ con người. Vì thế, con người không thể có bổn phận với bất cứ hiện hữu nào, ngoại trừ với con người. Và, nếu nó có hình dung ra được một bổn phận với một hiện hữu nào khác, thì đó (…) vẫn chỉ là bổn phận với chính mình. Vì khi hình dung như thế, nó đã lẫn lộn, coi cái bổn phận mà nó tự đặt ra cho mình với các hiện hữu kia, như bổn phận mà chúng đặt ra cho nó.  

(Đối với thiên nhiên) 

Thí dụ, đối với sự mỹ lệ, dù vô tri, của thiên nhiên, thì chỉ một một ý tưởng hủy hoại nhỏ nhoi nhất (…) cũng phản lại bổn phận của con người với chính mình. Lý do vì điều ấy triệt giảm, hay làm tiêu tan (…) một khuynh hướng nâng cao giá trị luân lý nơi con người, là sự yêu mến hoàn toàn bất vụ lợi một điều chi đó. 
   
(Đối với súc vật)  

Đối với những sinh vật không có lý trí, như súc vật, thì bạo hành, độc ác, chính là chà đạp một cách sâu đậm nhất bổn phận của con người với chính mình. Hành vi tàn bạo như thế khiến cho cảm xúc đối với những khổ đau của súc vật dần dần phai mờ, và những xúc cảm tương tự đối với tha nhân cũng  suy giảm rồi tan biến, làm mất đi một khuynh hướng tự nhiên thuận lợi cho luân lý.  

Mặt khác, mặc dù con người có quyền giết súc vật, một cách nhanh chóng (tránh gây đau đớn), và bắt chúng làm việc, nhưng không quá sức (nhớ là con người cũng phải làm việc), chúng ta cần bày tỏ sự kinh tởm trước những thí nghiệm hành hạ súc vật vì những lý do trừu tượng, lý thuyết, khi mà một phương cách khác có thể được sử dụng (…)  

(Đối với Thiên Chúa)  

Còn đối với những gì vượt ngoài giới hạn của kinh nghiệm, tức những điều mà chúng ta chỉ có thể hình dung được như những ý niệm, thí dụ như Thiên Chúa, thì cũng có một loại bổn phận, gọi là bổn phận tôn giáo, mà người ta cho rằng đến từ “những phán truyền của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, đó không thể là bổn phận đối với Thiên Chúa. Vì ý niệm Thiên Chúa hoàn toàn phát sinh từ lý trí của con người, do con người tạo ra (…). Trước mặt chúng ta không bao giờ có  một hiện hữu nào có thể kiểm chứng được bằng thực nghiệm, mang khả năng ràng buộc chúng ta vào một bổn phận. Ý niệm Thiên Chúa đem lại cho con người một nền tảng để áp dụng một cách thuận lợi cái quy luật luân lý vốn hiện diện trong nó, như một bổn phận với chính mình.  

Trong ý nghĩa (thực dụng) ấy, có thể khẳng định : bổn phận tôn giáo chính là bổn phận của con người với chính mình.  

Métaphysique des Moeurs – Doctrine de la Vertu (1797),
1ère PARTIE, Livre 1, 2è Section, chap 16-18.  

Nguyễn Hoài Vân phỏng dịch

Bài liên hệ (xin bấm vào tựa bài muốn đọc) :
Hãy tự mình suy nghĩ ! Một đoạn văn của Kant
Kant : chống siêu hình học
Kant – Ảo tưởng Hệ Thống
Kant : Luân Lý được ghi trong chúng ta chứ không đến từ bên ngoài
Kant : Tự do và quy luật luân lý