Đây chỉ là mô hình mang tính lý thuyết và tính thao tác để nhận diện, phân biệt từng khái niệm đó cho dễ dàng hơn, còn trên thực tế, ranh giới giữa chúng luôn luôn nhoà vào nhau khó mà phân biệt được một cách tách bạch.
Mỗi một dân tộc đều có cốt cách, bản lĩnh, cách tư duy và ứng xử riêng của mình. Bản lĩnh, cốt cách và cách tư duy này sẽ được biểu hiện dưới dạng những niềm tin, phong tục, tập quán, hệ giá trị, các chuẩn mực ứng xử…
Đây chính là các giá trị đặc trưng bản chất làm cơ sở nền tảng bền vững cho nền văn hoá tồn tại và phát triển, hệ giá trị ấy mang tính trừu tượng và tiềm ẩn, song lại được biểu hiện tương đối khả biến và cụ thể, với nhiều sắc thái vô cùng phong phú đa dạng, được phát sinh và phát triển một cách phồn thịnh trong các hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian và văn hoá bác học, được chắt lọc, rồi hun đúc nên thành bản sắc văn hoá dân tộc và trao truyền cho các thế hệ sau bằng các truyền thống, là chất keo để cố kết cộng đồng vững mạnh, để thích nghi và hoà đồng cao độ với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, để tồn tại và phát triển.
Bản sắc văn hoá dân tộc là một chỉnh thể có cấu trúc tương đồng với cấu trúc của nền văn hoá dân tộc đó. Cho tới nay đã có nhiều quan điểm khác nhau về cấu trúc một nền văn hoá, từ cách phân chia đơn giản thành văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần; hoặc văn hoá vật thể, văn hoá phi vật thể đến cách chia phức tạp hơn của GS. Trần Ngọc Thêm gồm: văn hoá nhận thức văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và văn hoá ứng xử với môi trường xã hội; hoặc GS. Trần Quốc Vượng lại chia thành văn hoá sản xuất, văn hoá vũ trang và văn hoá sinh hoạt. Mỗi cách xác định cấu trúc đều có thể mạnh và điểm yếu riêng. Theo cách gợi ý từ định nghĩa về văn hoá của UNESCO và để tiếp cận đến bản sắc văn hoá dân tộc Việt thông qua lễ hội truyền thống, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận bản sắc văn hoá dân tộc theo những bình diện dưới đây:
– Văn hoá tâm linh thể hiện chủ yếu qua các tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, niềm tin, lễ hội truyền thống;
– Văn hoá tư duy thể hiện chủ yếu qua các học thuyết, các luồng tư tưởng và khoa học;
– Văn hoá thẩm mỹ thể hiện chủ yếu qua các hình thức văn học và nghệ thuật bác học (chuyên nghiệp), cùng các loại hình văn học và nghệ thuật dân gian;
– Văn hoá sinh hoạt thể hiện chủ yếu qua lối sống, các phong tục, tập quán, chuẩn mực ứng xử.