Lào Cai nơi tập trung hơn 25 dân tộc anh em sinh sống như : Kinh, H’mong, Dao, Tày, Nùng, Xa Phó…mỗi dân tộc lại mang một nét văn hóa đặc sắc riêng bởi vậy nên Tết của mỗi dân tộc lại là môt màu sắc khác nhau. Không giống với Tết cổ truyển của người Kinh, Tết của người H’mong diễn ra trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng (từ ngày 30/11 âm lịch) và kéo dài trong 3 ngày. Đồng bào người H’mong có hệ lịch riêng, họ thường ăn tết trước người Kinh một tháng, nghĩa là ngày Tết của đồng bào trùng với ngày 29 tháng chạp của người Kinh.

Người H’Mông không đón Giao thừa mà quan niệm khoảnh khắc Giao thừa được tính bằng tiếng gà gáy đầu tiên trong đêm 30 Tết. Đặc biệt, đêm 30 tết thì rải lá chuối trên bếp lò tránh cho bếp lò bị ướt. Theo quan niệm đồng bào, nếu bếp lò bị ướt thì sẽ đem “giông” đến cho gia đình và năm đó cả gia đình sẽ gặp mọi điều “tai bay vạ gió”, mùa màng thất thu, tài lộc mất mát. Đến chơi tết nhà người H’mong bạn tuyệt đối không được huýt sáo, bởi họ cho rằng huýt sáo là gọi ma quỷ về, đây là điều kiêng kị khi đến chúc Tết đồng bào dân tộc H’mong.

Thiếu nữ người Mông đi chơi Tết.
Đối với người Tày, Tết lại mang một nét văn hóa đặc sắc khác. Đa số người Tày ăn tết sớm, khi đã luộc bánh, thịt lợn, giã giò xong xuôi vào 28 tháng Chạp là bắt đầu ăn tết. Đến 30 tết, mọi đồ đạc dao, quốc, thuổng, cày bừa… được xếp gọn vào một nơi, gia chủ sẽ làm lễ cúng cho các vật dụng này để cho chúng nghỉ ngơi. Người Tày quan niệm đây là những dụng cụ đã gắn bó với con người suốt một năm qua, giờ người nghỉ đón tết thì chúng cũng được nghỉ ngơi, để cho năm sau những đồ vật sẽ cùng con người làm việc năng suất hơn, cho nhiều lúa gạo, hoa màu hơn. Người Tày cư trú ở những địa bàn khác nhau cũng sẽ có những phong tục khác biệt nhất định, đối với người Tày ở Lào Cai, trong ba ngày tết họ kiêng ăn thịt chó, thịt vịt; không nhặt rau, không quét nhà. Họ quan niệm làm như vậy để tránh sát sinh trong ba ngày tết, tránh được vận hạn cho gia đình trong năm mới và để cho của cải, vật chất làm ra không bị phân tán, thất lạc.
Phụ nữ dân tộc Tày
Người Dao cũng lắm điều kiêng kỵ với các tục lạ và nhiều nét đẹp văn hóa. Người Dao Tuyển ở Làng My, Xuân Quang (Bảo Thắng) ngày Tết lại ăn chay, không ăn thịt; chỉ ăn các loại rau xanh, bánh trái, rượu chè. Người Dao Họ ở Khe Mụ, Sơn Hà (Bảo Thắng) lại chỉ ăn cỗ tết chính vào chiều 30 tháng chạp, các ngày tết chỉ vui chơi, tổ chức các trò chơi dân gian và thăm nhau chúc sức khỏe năm mới. Người Dao Đỏ ở Dần Thàng (Văn Bàn), Dền Sáng (Bát Xát) thì sáng mùng một tết, các gia đình lại chuẩn bị dao, cuốc, búa đi lên rừng, nương rẫy “lao động” khai xuân. Khi về mang theo hai hòn đá để chân bàn thờ với quan niệm là mang vàng bạc, của cải về nhà.
Tết của người Nùng Dín có lẽ là một nét văn hóa đẹp nhất, đặc sắc nhất cần được gìn giữ. Thời gian ăn tết của người Nùng Dín diễn ra tương đối dài từ ngày 28 tháng Chạp cho đến hết rằm tháng Giêng. Sau khi đón giao thừa, người phụ nữ được ăn chơi suốt ba ngày Tết. Mọi việc trong gia đình từ cơm nước, cúng bái gia tiên đến cho lợn gà ăn uống, chăn trâu, ngựa, thậm chí cả rửa bát, ấm chén đến đun nước rửa mặt, chân tay đều do các bậc nam giới làm. Đây không chỉ là tục lạ mà còn là nét đẹp văn hóa nhằm tôn vinh phụ nữ, bù đắp cho phụ nữ sau một năm lao dộng vất vả “một nắng hai sương” . Tập tục “trọng vợ” của người Nùng nói chung chứa đựng những quy chuẩn về các giá trị đạo đức, văn hóa tiến bộ và có lẽ đây là nét văn hóa đẹp nhất cần được giữ gìn trong số đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai.
Nếu có dịp đến Lào Cai vào dịp Tết cổ truyền này, hãy thử đến nhà bà con dân tộc thiểu số nơi đây để cùng trải nghiệm một cái Tết vô cùng độc đáo và ấm cúng của người vùng cao bạn nhé!