Những bộ trang phục của Mẫu Tứ phủ cũng góp phần tạo nên sắc thái riêng của tín ngưỡng này trong bức tranh chung của văn hoá dân gian người Việt. Các màu đỏ, vàng, trắng, xanh, là màu tượng trưng của Tứ phủ, của thế giới trời, đất, nước, rừng núi và cũng là màu trang phục của các vị Thánh.

Thượng Thiên Thánh Mẫu, người sáng tạo ra miền trời và các quy luật vận hành gắn với bầu trời, chủ của mọi vòng quay thời gian và thời tiết khí hậu theo mùa… có yếm đỏ và mặc áo đỏ trùm khăn đỏ. Mẫu Thoải, người sáng tạo ra mọi dòng sông suối, mà trước hết là nguồn nước của nghề nông có yếm trắng mặc áo trắng trùm khăn trắng. Mẫu Địa, người sáng tạo ra mọi vùng đồng bằng phì nhiêu, có yếm vàng mặc áo vàng, trùm khăn vàng. Mẫu Thượng Ngàn, người sáng tạo ra rừng núi, nguồn của cải vô biên để ban phát cho con người, có yếm xanh mặc áo màu xanh trùm khăn xanh. Các vị thần còn lại trong điện thờ Mẫu thuộc phủ nào thì trang phục của họ theo màu của phủ đó. Chẳng hạn ở hàng Chầu: Tứ vị chầu Bà được coi là hoá thân, phục vụ trực tiếp của tứ vị Thánh Mẫu.

Chầu đệ Nhất là hoá thân của Mẫu Thượng Thiên yếm đỏ mặc áo đỏ.

Chầu đệ Nhị là hoá thân của Mẫu Thượng Ngàn yếm xanh mặc áo xanh.

Chầu đệ Tam là hoá thân Mẫu Thoải yếm trắng mặc áo trắng.

Chầu đệ Tứ là hoá thân Mẫu Địa yếm vàng mặc áo vàng, nhưng cũng có khi bà hoá thân dưới dạng chầu Thoải Phủ, mặc áo màu trắng, khi lại hoá thân thành Thánh Mẫu Thiên phủ, mặc áo đỏ.

Xưa kia, thời buổi kinh tế khó khăn.

Vải vóc và trang sức còn thiếu thốn và khan hiếm thì trang phục hầu đồng cũng rất đơn giản. Người trình đồng khi ra đồng chỉ cần mua một tấm khăn vải đỏ cùng một chiếc áo bản mệnh màu đỏ. Cả khăn cả áo không cần thêu hoa lá hay rồng phượng, thậm chí chiếc khăn nhỏ chỉ đủ để che đầu. Khăn áo bản mệnh khi trình đồng sẽ được các thánh về chứng, đồng thời áo bản mệnh sẽ đi theo người thanh đồng đến khi mất.

Khi mất đi, người thanh đồng sang thế giới bên kia vẫn là con cái đi phụng sự Thánh nên họ vẫn mặc áo bản mệnh và gối đầu lên khăn phủ diện. Đơn giản là vậy, nhưng chiếc áo bản mệnh và khăn phủ diện đối với họ là tài sản thiêng liêng nhất, quý giá nhất khi học ra làm tôi nhà Thánh.

Sau này các thanh đồng sắm thêm 4 chiếc áo 4 màu

Trong khi hầu đồng, trang phục của các vị Thánh chủ yếu phân biệt qua màu sắc của đai, của mạn hay của khăn. Sau này, dư giả hơn thì người ta có sắm thêm 4 chiếc áo với bốn màu tượng trưng cho bốn phủ. Các màu này bao gồm:

  • Màu đỏ tượng trưng cho thiên phủ
  • Màu vàng tượng trưng cho địa phủ
  • Màu trắng tượng trưng cho thủy phủ
  • Màu xanh tượng trưng cho nhạc phủ.

4 màu này kết hợp với cách lên khăn, đai mạn sẽ hầu được các giá. Sau này, xã hội mở cửa vải vóc và trang sức nhập vào nước ta nhiều hơn, rẻ hơn nên các vị thanh đồng sắm sửa mỗi vị thánh một trang phục riêng biệt. Và rất nhiều các đồ trang sức làm đẹp cho Thánh.

Trang phục hầu đồng tạo nên sự uy nghiêm

Trang phục là cái đẹp của con người tạo dựng lên qua các thế hệ. Trang phục ở đây có tính quy phạm của con người, chứ không phải là hình tượng nguyên bản của các vị Thánh. Ví dụ như quan Tam phủ, ngài sống thời Hùng Vương nên không thể có trang phục như nay được. Như vậy, trang phục của các vị Thánh ở đây không có sự phân biệt đúng hay sai. Trang phục chỉ nhằm mục đích tạo nên sự oai nghiêm, tạo nên vẻ đẹp và sự phân biệt các vị Thánh theo từng phủ, từng vùng miền.

Nhưng việc thay đổi trang phục cũng phải dựa theo những cơ sở, lề lối phép tắc xưa của các cụ để lại. Không thể đi quá giới hạn của truyền thống, không thể lố bịch và phản cảm. Càng không thể lệch lạc và biến tướng. Hiện nay một số người hầu đồng, trang phục lại giống trang phục quan lại hay công chúa Trung Quốc. 

Tấm áo không làm nên thầy tu. Trang phục ở đây là phần hiển. Đẹp nhưng phải trang nghiêm. Chứ không phải lố lăng.

Trang phục hầu đồng là trang phục của Thánh, vẻ đẹp là vẻ đẹp của Thánh chứ không phải trình diễn thời trang trên sập công đồng. Trang phục hầu đồng dù đơn giản hay cầu kỳ. Dù vải gấm hay thêu rồng thì quan trọng nhất là con người khi ngồi trên sập công đồng, làm ngai Thánh ngự phải có tâm cung kính, trang nghiêm. Chứ không phải coi sập công đồng là nơi khoe khăn khoe áo, khoe giàu khoe sang.