Trong những ngày đầu năm, gia đình có dịp tụ họp đông đủ, con cháu chúc Tết ông bà, cha mẹ. Người lớn tuổi thì mừng tuổi con cháu. Trong dịp này, bữa cơm đầu năm thường rất thịnh soạn với nhiều món ngon được chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Do điều kiện địa lý, thói quen trong ăn uống, phong tục của từng miền có những điểm khác biệt, nên mỗi miền có mâm cỗ Tết khác nhau, và có tên gọi khác nhau.
Ở mỗi địa phương và mỗi gia đình, mâm cỗ ngày Tết cũng không hoàn toàn giống nhau. Nói mâm cỗ Tết miền Bắc thực ra cũng có sự khác biệt ở từng vùng miền: miền cao như Lạng Sơn cũng có khác biệt với Tây Bắc, miền xuôi như Hải Dương, Nam Định cũng khác với Quảng Ninh, Thái Bình. Mâm cỗ ngày Tết trong bài viết này xin được nói đến là mâm cỗ truyền thống của Hà Nội.
Trong mâm cỗ ngày Tết ở các gia đình miền Bắc, món thường thấy là món Bóng. Bóng có thể được xào hoặc nấu với thịt nạc, đậu cô ve, bông cải và nấm hương. Ngoài ra cũng không thể thiếu món măng hầm chân giò. Ngoài ra còn có gà luộc hoặc nộm su hào. Trong bữa cơm cũng không thể thiếu dĩa bánh chưng được bày cùng với dưa hành.
Mâm cỗ miền Bắc thường khá nghiêm ngặt, ít nhất phải có 4 đĩa, 4 bát không kể xôi và nước chấm. Gia đình khá giả, có điều kiện thì còn chuẩn bị 8 đĩa, 8 bát. Món ăn bày trên đĩa, cơ bản là có thịt gà, thịt heo, nem thính, giò lụa. Cũng có thể thêm giò thủ, thịt đông, chả đẫy, nộm su hào, nộm rau cần và các món xào. Bát thì gồm bát ninh, bát hầm, bát miến, bát mọc, ngoài ra còn có các món tần. Các món bày trên đĩa được dùng trước, thường là để nhắm với rượu và ăn chung với xôi.
Các món bày trong ở bát như món măng hầm giò heo, miến gà, mọc thì dùng sau. Đó là những món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống miền Bắc. Bên cạnh những món trên, tùy từng gia đình, có những nơi còn có các món cá chép, cá trắm kho riềng, cuốn diếp, cuốn bỗng.
Món tráng miệng ngoài các loại mứt như mứt sen, quất, gừng, hồng khô, ô mai mơ, gừng còn có món chè kho cũng rất được ưa chuộng vì vừa thơm ngon, lại có tính giải độc và giả rượu do được chế biến từ nguyên liệu chính là đậu xanh. Chè kho miền Bắc thường làm rất ngọt và xào kỹ nên có thể để dành được rất lâu. Trong thời tiết lạnh của ngày Tết, món ăn này có thể để dành được lâu đến 1, 2 tuần lễ.