Giới Thiệu Đền Phủ Vàng
Đền Phủ Vàng, hay còn gọi là “Phủ Vàng Linh Từ”, nằm ở Núi Chùa, làng Vàng, xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đền thờ Mẫu Đệ Nhất Liễu Hạnh, một vị nữ thần duy nhất trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của Việt Nam. Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 7 km, Đền Phủ Vàng được xây dựng từ thế kỷ 18, mang đậm nét lịch sử và văn hóa của dân tộc.
Lịch Sử và Truyền Thuyết Đền Phủ Vàng
Theo truyền thuyết, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc dẹp giặc Thanh, đã dừng chân nghỉ ngơi tại Phủ Vàng và vào đền dâng hương kính lễ. Được Thánh Mẫu báo mộng và bày kế sách đánh giặc, Nguyễn Huệ đã thu được thắng lợi lớn. Khi lên ngôi vua, lấy niên hiệu Quang Trung, ông đã tri ân Thánh Mẫu và ban sắc phong là “Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương – Đệ Nhất Thánh Mẫu”.
Kiến Trúc Đền Phủ Vàng
Cổng và Lối Vào
Phủ Vàng xưa có cổng ngoài cùng giáp sông Mã gọi là nghi môn ngoại, tiếp đến là nghi môn nội với ba cửa (cửa tam quan), hai bên có hai hộ pháp oai vệ. Lối lên tòa bái đường phải qua gần trăm bậc đá, hai bên có đôi rồng chầu vào rất uy nghi.
Cấu Trúc Tòa Bái Đường
Tòa bái đường được xây dựng đồ sộ với 2 tầng 8 mái theo kiểu chồng diêm, các đầu đao cong vút nâng đỡ mái ngói mũi hài thanh thoát. Phía trước tòa bái đường là hồ bán nguyệt thả sen thơm ngát, tạo không gian thanh bình, yên tĩnh.
Tòa Thượng Điện và Hậu Cung
Tòa thượng điện gắn liền với tòa bái đường theo hình chữ Đinh. Hậu cung Phủ Vàng có 3 gian, quanh năm đóng kín, chỉ mở cửa vào các ngày lễ và tuần để thắp hương cúng lễ. Nơi đây đặt khám thờ, có tượng Thánh Mẫu và Tứ Vị Hồng Nương, cùng bức đại tự chữ Hán “Mẫu Nghi Thiên Hạ”. Cột cái bái đường có đôi câu đối:
“Đế khuyết, tam giáng sinh thập phương Thánh hóa
Thiên nam, tứ bất tử vạn cổ Mẫu nghi”
Lễ Hội Đền Phủ Vàng
Các Kỳ Lễ Hội
Phủ Vàng hàng năm tổ chức 3 kỳ lễ hội vào tháng Giêng, tháng 3 và tháng 6 âm lịch. Lễ hội bao gồm các nghi thức rước kiệu, cúng tế, cùng các trò chơi dân gian như vật, kéo co, trọi gà, hát chèo, hát ghẹo.
Nghi Lễ Hầu Đồng và Hát Văn
Lễ hội Phủ Vàng nổi bật với nghi lễ hầu đồng gắn với hát văn. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập, tạo nên không gian lễ hội huyền ảo. Các giá đồng không chỉ ca ngợi công lao của Thánh Mẫu mà còn tôn vinh các vị Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín, và những người có công với nước, với dân.