Đền Thượng, Đền Công Đồng tại Cầu Muối, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên là hai ngôi đền nằm trong cụm di tích Đình Đền Chùa Cầu Muối. Cụm di tích này bao gồm: Đình Cầu Muối, Chùa Cấu Muối, Đền Thượng, Đền Công Đồng tạo nên một khu tâm linh” Phật – Thánh – Thần” đặc sắc của vùng đất Thái Nguyên.

Lịch sử khu tâm linh Cầu Muối

      Theo các tài liệu lịch sử, khu tâm linh Đình Đền Chùa Cầu Muối được xây dựng vào đời vua Lê Dụ Tông (1705 – 1729), theo nội dung văn bia cổ để lại thì khu tâm linh này được xây dựng vào năm 1719.
Chùa Cầu Muối

      Trải qua các thời kỳ, khu tâm linh Đình Đền Chùa Cầu Muối đã bị hủy hoại và đã được tu sửa, trùng tu nhiều lần. Năm 1927, nhân dân tôn tạo lại Hậu cung của Đình và Chùa, các đền được tu sửa vào năm 1975. Năm 2005, cụm di tích tâm linh này được Xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh. Gần đây, cụm di tích tâm linh này tiếp tục được trùng tu, tu bổ.
      Đến nay, Cụm di tích Đình Đền Chùa Cầu Muối còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc có giá trị nghệ thuật và niên đại cổ xưa như: Chiêng núm đồng; chuông nhí đồng,  giá văn tế, nhang án, ngai thờ, cối đá, 5 bát hương gốm cổ, 23 pho tượng và cây hương đá được lập năm 1719…

Đình Cầu Muối

       Đình Cầu Muối thờ Thần Cao Sơn Quý Minh Đại Vương tức Tướng quân Dương Tự Minh, một tướng tài dưới thời nhà Lý. Ông có công lớn chỉ huy đánh đuổi quân nhà Tống, bảo vệ biên cương phía bắc của nước Đại Việt vào thế kỷ thứ XII.
Đình Cầu Muối
      Sau khi mất, Dương Tự Minh được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là “Thượng Đẳng Thần”. Ông trở thành Thần Hoàng làng của nhiều làng dọc giải sông Cầu từ Bắc Cạn, Thái Nguyên đến Bắc Ninh, Bắc Giang… Trong đó có làng Cầu Muối.
Cảnh trước sân của Đình Cầu Muối
       Nơi đây, trước kia là trung tâm chính trị – văn hóa, là nơi sinh hoạt, hội họp của làng. Chính vì vậy, kiến trúc của Đình được xây dựng với Tiền đình và Hậu cung. Tiền đình là nơi họp bàn các công việc quan trọng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa chính trị của làng. Hậu cung thờ Đức Dương Tự Minh.

Chùa Cầu Muối

       Chùa Cầu Muối trước đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ còn có tên là ” Linh Sơn Tự” . Nhờ sự phát tâm công đức gần xa, nên ngày nay ngôi chùa đã rất tố hảo, khang trang, bề thế. Hiện ngôi chùa đã cơ bản hoàn thành chỉ con cung Thờ Tổ hiện còn dở dang.
Chùa Cầu Muối
       Chùa Cầu Muối cùng với Đình Cầu Muối tọa lạc trên một đồi thoai thoải, trong khung cảnh thiên nhiên đẹp, xung quanh là rừng keo, bạch đàn, thông xanh quanh năm tươi tốt. Không gian của Chùa và Đình tạo nên một không gian “Thần – Phật” hữu tình, thanh bạch, cổ kính.
Cung thờ Tổ đang hoàn thiện
        Nằm thế tựa sơn, cảnh mây núi giăng mờ bao phủ, gió mát quanh năm; đặc biệt trước cửa Chùa còn có cây Trâm Mai cổ thụ đã hơn 300 năm tuổi cành lá xum xuê tỏa bóng làm cho không gian nơi đây càng thơ mộng và đậm chất tâm linh huyền ảo.
Cảnh phía trước sân chùa
       Không gian chùa  khoáng đạt, uy nghi với các ban thờ sơn son thếp vàng.
Không gian của Chùa Cầu Muối

Đền Công Đồng Cầu Muối

       Sau khi đi thăm Đình và Chùa chúng ta đi tiếp khoảng hai trăm mét nữa đến đền Công Đồng nằm trên đỉnh một quả đồi xum xuê bóng mát.
Đường lên Đền Công Đồng
       Trước cửa Đền Công Đồng là một khoảng sân rộng phía trước dựng một án hương thờ Mẫu Bán Thiên Công Chúa. Hai bên lập am thờ Quan Sơn Thần và Mẫu Mẹ.
        Chính giữa gian tiền cung là Ban Công Đồng với tượng của Ngũ Vị Tôn Ông.  Bên phải tiền cung là Ban Cậu bé Thượng Ngàn và Ban Trần Triều;  Bên trái tiền Cung là Ban Cô Bé Thượng Ngàn và Động Sơn Trang.
Đền Công Đồng
     Hậu cung có hương án thờ tượng Mẫu Liễu Hạnh. Đây là tượng của một người đàn bà trẻ, đẹp, phúc hậu (mặc áo xanh) từ bi trong tư thế bình thường của một người dân giữa cuộc đời. Phía sau hương án là cung Tam Tòa Thánh Mẫu.
Hậu cung Đền Công Đồng
      Theo Ông Thực – Cán bộ Ban Quản lý cụm di tích Cầu Muối cho biết thần tích đầy kỳ bí của Đền Công Đồng như sau:
      Ngày xưa có 2 chị em đi bán muối ngang qua đây, trời đã tối, lại thấy không khí trong lành, núi non xanh tốt bèn nghỉ chân tại đó. Hai chị em thương yêu nhau lắm. Đêm ấy, sợ em đêm khát nước nên người chị đã lặng lẽ xuống khe núi lấy nước. Nhưng chẳng may, xuống tới khe suối người chị bị một con hổ dữ tát chết. Người em mãi không thấy chị về, nên đi tìm. Nhưng khi xuống cô em đi tìm đến suối thì cũng bị hổ tát chết. Nhưng kì lạ, hổ đói lại không ăn thịt mà để hai chị em nằm sát cạnh nhau bên bờ suối. Cũng thật kỳ lạ, khi dân làng phát hiện ra thì nơi hai chị em nằm mối đùn đất che kín chỉ để hở 2 bàn chân.
       Dân làng thấy lạ, bèn làm lễ cúng rồi chọn một vị trí đẹp trên lưng chừng núi chôn cất. Nhưng mỗi ngày, mỗi tháng qua đi đống đất mối đùn lên ngày một to hơn, thành một cái gò đất cao. Dân làng đem rào giậu chỗ đó cẩn thận và ngày đêm hương khói.
      Thế rồi, có một ngày Mẫu giáng về báo mộng cho dân trong làng lập thờ cho hai chị em. Vì thế, ngôi đền đã ra đời từ đó. Chính vì thế, bên trong hậu cung ngay dưới tượng thờ Quan Ngũ Hổ là mộ của vị Thánh Mẫu trong truyền thuyết được nhân dân truyền miệng tới bây giờ.
       Trước đây, khi tu tạo lại đền, mọi người đã xin Mẫu được chuyển vị trí ban thờ nhưng xin thế nào cũng không được.
     Cũng có thần tích khác với nội dung tương tự nhưng không phải là hai chị em mà là hai mẹ con.

Đền Thượng Cầu Muối

    Đền Công Đồng 300m về phía Tây Bắc là Đền Thượng. Đền Thượng nằm trên lừng chừng một ngọn đồi đầy bóng mát. Con đường đi lên là những bậc bê tông nằm dưới những tán cây keo cao vút như đi vào chồn bồng lai tiên cảnh.
Đường lên Đền Thượng
      Ngôi đền với mái cong cổ kính. Phía trước ngôi đền là một khoảng sân rộng bên rừng keo xanh rì, luôn rì rào trong gió và đàm đìa, mịt mờ sương vào những ban mai.
       Ngôi đền có tiền cung và hậu cung. Chính giữa tiền cung là Ban Công Đồng. 
Tiền cung với Ban Công Đồng 
        Ban công đồng phối thờ tượng của Ngũ Vị Tôn Ông, bên phải Ban Tứ Phủ Quan Hoàng có phối thêm Tứ phủ Thánh Cậu; bên trái là cung thờ Tứ Phủ Thánh Cô.
    Trong hậu cung có một hương án thờ tượng của Chúa Thượng Ngàn. Phía sau tượng Chúa Thượng Ngàn là Tam Tòa Thánh Mẫu.

Lễ Hội Đình Đền Chùa Cầu Muối

        Lễ Hội Đình Đền Chùa Cầu Muối thường bắt đầu vào mùng 4 tết âm lịch.

Lễ hội Đình Đền Chùa Cầu Muối

Nét đặc trưng của Cụm di tích Đình Đền Chùa Cầu Muối

        Nét đặc trưng của cụm di tích này là vào những ngày đầu xuân, người ta bán rất nhiều muối gạo theo từng gói nhỏ để du khách mua làm lễ. Tục lễ bằng muối có lẽ để tưởng nhớ hai chị em đã mất và hiển linh ở đây theo thần tích của Đền Công Đồng. Ngoài ra, nơi đây có hàng chục quán bán gà nướng trực tiếp bằng than củi với hương vị đặc trưng của vùng núi rừng mà không ở đâu có.