Mọi cuộc thánh chiến đã nhuộm đỏ hoàn cầu từ nhiều thế kỷ đều đến từ những gắn bó mê muội vào các đối nghịch bị đơn giản hóa như : chúng ta và bọn chúng, thiện và ác, da đen với da trắng. Nếu văn hóa Tây Phương đã chứng tỏ được sự phong phú của mình (không chỉ từ thời Ánh Sáng, mà sớm hơn nhiều, khi thày tu Ruggiero Bacone của dòng Phan Xi Cô khuyến khích trau dồi ngoại ngữ, vì ngay cả bọn « ngoại đạo », cũng có những điều có thể truyền dạy), chính vì nền văn hóa ấy đã cố gắng hóa giải những đơn giản hóa tai hại cho ánh sáng của khảo cứu và của óc phê phán.
Đương nhiên là Tây Phương không phải bao giờ cũng hành sử như thế : Hitler đốt sách, lên án nghệ thuật suy đồi, giết những chủng tộc « thấp kém » – hay chế độ Phát Xít, đã dạy tôi hát « Chúa nguyền rủa người Anh » (…), tất cả những thứ ấy đều thuộc về văn hóa Tây Phương.
Tuy nhiên, người Tây Phương phải chia sẻ với những người trẻ mang mọi màu da những gì tốt đẹp nhất trong văn hóa của mình, nếu muốn các vụ tấn công khủng bố không tiếp tục đến các thế hệ sau.
Điều gây ngộ nhận là chúng ta thường không biết phân biệt giữa việc nhận diện nguồn gốc của mình, và nhận diện những người có nguồn gốc khác, với việc đánh giá tốt xấu. Do nguồn gốc của tôi, nếu người ta hỏi khi về hưu thích sống ở đâu, tôi sẽ trả lời Monferrato. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi coi rẻ những vùng khác của nước Ý.
(…) Nguồn gốc của chúng ta có thể được nhìn một cách rộng rãi hơn. Thí dụ tôi sẽ chọn sống ở Limoges (Pháp) thay vì Moscou. Vì sao ? Moscou là một thành phố tuyệt vời mà ? Đúng thế, nhưng ở Limoges, tôi có thể nói tiếng Pháp.
Một cách đơn giản, mỗi người tự đồng hóa với nền văn hóa đã dưỡng nuôi mình (…) Laurence d’Arabie tuy có lúc ăn mặc như người Ả Rập, nhưng rồi cũng quay về quê quán.
Bây giờ chúng ta bàn vào việc so sánh các nền văn hóa (…) 
Người Tây Phương, dù vì lý do bành trướng kinh tế, đã đến với các văn hóa khác với nhiều tò mò. Trong nhiều trường hợp họ đã xóa sổ tương quan với các văn hóa ấy bằng sự khinh miệt. Người Hy Lạp gọi những dân tộc không biết tiếng Hy Lạp là mọi rợ (barbare), tức (…) không biết nói. Tuy nhiên, những người Hy Lạp hiểu biết nhất, như các nhà khắc kỷ (stoïcien), có thể vì vài người trong số họ gốc từ Phénitie (Trung Đông), đã nhận ra rằng dân « mọi rợ » dùng những ngôn từ không có trong tiếng Hy Lạp, nhưng diễn đạt cùng một ý nghĩ.
Từ hậu bán thế kỷ 19, văn hóa nhân chủng học (anthropologie culturelle) đã phát triển như một nỗ lực để chữa trị nỗi ân hận của Tây Phương trước thái độ từng có với các dân tộc khác, đặc biệt là những dân tộc đã bị coi là man rợ, không có lịch sử, là người nguyên thủy. Mục đích của văn hóa nhân chủng học là chứng minh sự hiện hữu của những luận lý (logiques) khác với luận lý Tây Phương, đáng được tôn trọng, thay vì bị khinh miệt, áp bức.
Văn hóa nhân chủng học dạy chúng ta phải xác định những tham số (paramètres) khi so sánh các văn hóa với nhau (…) Người ta có thể mô tả một văn hóa với nhiều khách quan (…) dù rằng nhân chủng học cho biết tính khách quan ấy thường bị lu mờ. Năm ngoái, ở xứ Dogon (Phi Châu), tôi hỏi một đứa trẻ : « cháu có theo Hồi Giáo không ? ». Trả lời : « Không, cháu theo đạo Vật Linh ». Tôi có thể quả quyết với bạn là người « Vật Linh » không bao giờ nói họ theo đạo « Vật Linh » (…) Đứa bé này đã dùng ngữ vựng của các nhà Nhân Chủng học để nói về chính nó. Các bạn Nhân Chủng Học người Phi Châu cho tôi biết là khi có một nhà Nhân Chủng Học Âu Châu đến xứ Dogon, thì dân địa phương biết rành các mánh lới, luôn kể cho vị này nghe những gì một nhà Nhân Chủng Học tên là Marcel Griaule đã viết ra từ rất lâu (theo các bạn Phi Châu của tôi, thì sau khi được người địa phương thuật lại một số chuyện rời rạc, ông này đã kết hợp chúng thành một hệ thống tuy có vẻ quyến rũ, nhưng rất ít xác thực).
(…)
Những tham số để đánh giá một văn hóa (…) tùy thuộc nguồn gốc, sở thích, thói quen, đam mê , hệ thống giá trị của chúng ta (…) Phát triển kỹ nghệ, thương mại, vận chuyển, có phải là những giá trị hay không ? Nhiều người nghĩ thế, và vì vậy, coi văn hóa Tây Phương như ưu việt. Tuy nhiên, trong nội bộ văn hóa Tây Phương, cũng có những người cho rằng sống hài hòa với một thiên nhiên không bị tàn phá mới là giá trị tối thượng (…) Vì thế, để so sánh các văn hóa, không thể chỉ mô tả chúng (như nhân chủng học), mà còn phải vận dụng cái hệ thống giá trị mà chúng ta cho là không thể từ bỏ. Chúng ta chỉ có thể nói được là nền văn hóa của chúng ta cao hơn một nền văn hóa khác trong điều kiện (chủ quan) ấy.
(…) Không ai phủ nhận là Tây Phương hiện dẫn đầu trên các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật (…) Tuy nhiên, tham số của sự phát triển khoa học kỹ thuật ấy có vì thế mà trở thành nhất định hay không ? Pakistan có bom nguyên tử, nước Ý thì không. Phải chăng nước Ý có một văn hóa kém hơn Pakistan ? Và nên sống ở Islamabad hơn là ở Arcore ? Những người chủ trương đối thoại (giữa các văn hóa) đề cao thế giới Hồi Giáo, vì đã cho ra những người như Avicenne (dừng quên ông ta sinh ở Boukhara, không xa Afghanistan) và Averroes – thật đáng tiếc vì người ta chỉ nêu tên hai vị này, mà không nói đến d’Al-Kindi, d’Avenpace, d’Avicebron, d’Ibn Tufayl, hay nhà sử học vĩ đại Ibn Khaldoun, được giới học thuật Tây Phương coi như người đã khai sinh ra khoa học xã hội. Những người ấy thường nhắc nhở là trong khi người Ả Rập trau dồi địa lý, thiên văn, toán học, y khoa, thì thế giới Tây Phương còn lê lết sau họ rất xa.
Thật ra, những nhận xét ấy không phải là những luận chứng, vì nói như thế không khác nào cho rằng Vinci (…) hơn New York, vì Leonard đã sinh ra ở đó, khi mà, tại Manhattan, vài ba người da đỏ còn phải ngồi đợi thêm 150 năm nữa, trước khi người Hòa Lan đổ bộ đến và mua bán đảo của họ với giá 24 Đô La. Mặc dù vậy, tôi không súc phạm đến bất cứ ai khi quả quyết New York hiện là trung tâm của thế giới, chứ không phải Vinci.
Mọi chuyện đều thay đổi. Không cần nhắc lại là người Ả Rập ở Tây Ban Nha đã rất khoan dung với người DoThái và Ky Tô Giáo, vào lúc mà (tổ tiên) chúng ta tấn công, cướp phá các khu vực (bị bắt buộc phải) định cư của người Do Thái. Saladin, khi chiếm lại Jerusalem, đã tỏ ra vô cùng nhân từ hơn quân Công Giáo đối với người đạo Hồi, khi đoạt được thành phố này. Những sự kiện chính xác ấy không phủ nhận sự thật là hiện nay trong thế giới Hồi Giáo, có những chính thể thần quyền không chấp nhận người Ky Tô giáo, và Ben Laden đã không khoan dung đối với New York. Vùng Bactriane từng là một nơi giao lưu giữa các nền văn hóa lớn, nhưng, ở đó, ngày nay, quân Taliban bắn đại bác váo các tượng Phật cổ. Bên cạnh đó, người Pháp đã tàn sát người Tin Lành trong ngày St Barthelemy (24/8/1572), nhưng ngày nay, không thể vì chuyện ấy mà coi họ như man rợ.
Đừng kêu cầu đến lịch sử, vì đó là con dao hai lưỡi. Người Thổ Nhĩ Kỳ có cực hình đóng cọc (một điều rất xấu xa), người Chính Thống Giáo Bizance chọc mù mắt những anh em họ hàng có thể trở thành nguy hiểm, trong khi người Ý đem đốt Giordano Bruno. Hải tặc Hồi Giáo rất tàn ác, nhưng cướp biển corsaires có môn bài của hoàng gia Anh, cũng không kém dã man, khi đốt phá các thuộc địa Tây Ban Nha ở Caraïbe. Ben Laden và Sadam Hussein là những kẻ thù dự tơn của văn hóa Tây Phương, nhưng trong nội bộ của chính văn hóa ấy, chúng ta có những kẻ không kém hung bạo như Hitler hay Staline (Staline độc ác đến độ người ta thường coi ông như người Phương Đông, mặc dù ông xuất thân từ Chủng Viện, và đã từng đọc Marx).
Không, các tham số (để phê phán văn hóa) không thể được nhìn dưới khía cạnh lịch sử, mà phải được đặt trong hiện tại. Một trong những điều đáng quý nhất của Tây Phương (với tự do và đa nguyên như những giá trị vĩnh hằng), là từ lâu, đã nhận thấy rằng một con người có thể sử dụng những tham số riêng biệt và mâu thuẫn, cho những vấn đề khác nhau. Thí dụ người ta coi việc kéo dài cuộc sống là tốt, và ô nhiễm là xấu. Tuy nhiên, chúng ta nhận thấy rõ ràng là muốn có những trung tâm nghiên cứu lớn để tìm cách kéo dài cuộc sống, thì cũng phải phát triển những kỹ thuật gây ô nhiễm.
Văn hóa Tây Phương đã khai triển khả năng tự do vạch trần những mâu thuẫn của chính mình. Tuy có khi không giải quyết nổi chúng, nhưng văn hóa Tây Phương cho phép biết được, và nói lên, những mâu thuẫn ấy. Rốt cuộc, toàn bộ tranh luận về toàn cầu hóa hay không toàn cầu hóa, nằm ở điểm này (…) Đó là làm sao khiến cho một mức độ phát triển nào đó, có thể chịu đựng được, bằng cách giảm thiểu các rủi ro và bất công của một toàn cầu hóa độc hại ? Làm sao cũng kéo dài được đời sống của hàng triệu người Phi Châu mắc bệnh AIDS (đồng thời của cả chúng ta), mà vẫn không chấp nhận một nền kinh tế toàn cầu vừa làm nhiều người chết đói, vừa bắt chúng ta phải ăn những thực phẩm ô nhiễm ?
Chính nhờ sự can đảm phê bình các tham số (để phê phán văn hóa) ở Tây Phương, mà người ta đã nhận thấy được là vấn đề đặt ra bởi các tham số ấy tế nhị đến mức nào. Bảo vệ bí mật ngân hàng có chính đáng, có chấp nhận được, hay không ? Nhiều người nghĩ là có. Nhưng nếu bí mật ấy giúp bọn khủng bố gửi tiền ở City Luân Đôn một cách an toàn ? Trong trường hợp ấy, bảo vệ một sự riêng tư giả định, là một giá trị hay một sự tai hại ?
Chúng ta luôn đem những tham số này vào vòng tranh luận. Cấu trúc của thế giới Tây Phương cho phép người dân phủ nhận mọi giá trị trị tích cực của chính nó, được xây dựng trên tiến trình phát triển kỹ thuật, để chạy theo Phật Giáo, hay gia nhập những cộng đồng từ chối các tiến bộ này. Học đường phải giúp cho việc phân tích và phê bình các tham số trên đó chúng ta xây dựng những khẳng định đầy nhiệt tình và thiên kiến của chúng ta. 
Tây Phương đã bỏ ra rất nhiều tiền của để nghiên cứu phong tục tập quán của các văn hóa khác. Ngược lại, đã không thực sự có những nỗ lực giúp cho thành viên của các văn hóa khác học hỏi những phong tục tập quán của Tây Phương. Có chăng chỉ vài trường học « bản xứ » điều khiển bởi người da trắng, hay việc chấp nhận cho những người « bản xứ » giàu có đến học ở Oxford hay Paris. Để rồi, điều gì xảy ra ? Sau thời gian học hỏi ở Tây Phương, những người ấy quay về quê hương của họ, và thành lập những tổ chức dân tộc hay tôn giáo chủ nghĩa cơ yếu (fondamentaliste), vì họ cảm thấy gắn bó với những đồng hương đã không có được cơ hội học hỏi như họ. Đây chẳng qua chỉ là một câu chuyện cổ điển : các nhà trí thức đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ đều đã từng được đào tạo bởi chính người Anh.
Thử tưởng tượng những người Hồi Giáo cực đoan được học hỏi về Ky Tô Giáo cực đoan (không chỉ Công Giáo cực đoan, mà phải nhấn mạnh đến những người Tin Lành cực đoan ở Hoa Kỳ, cuồng tín còn hơn các Ayatollah, như khi đòi học đường phải xóa bỏ thuyết tiến hóa của Darwin). Tôi nghĩ là việc học hỏi, theo phương pháp nhân chủng học, tính truyền thống quá khích nơi người khác có thể giúp hiểu được tính truyền thống quá khích nơi chính mình. Những người Hồi Giáo ấy sẽ học hỏi khài niệm thánh chiến của Tây Phương (tôi có thể đề nghị nhiều tài liệu lý thú, kể cả vừa được viết). Có thể họ sẽ có được một cái nhìn về ý tưởng thánh chiến của chính họ, với nhiều phê phán hơn ?
Umberto Eco
NHV dịch và tóm tắt – 24/2/2016