Điều này nhắc lại sự kiện phụ nữ luôn là một vấn đề trong các tôn giáo lớn. Đức Phật đã từng chống lại sự gia nhập của phụ nữ vào tăng đoàn. Ngài A Nan phải nài nỉ mãi, Ngài mới chịu thoả thuận với nhiều điều kiện và hạn chế. Một số tông phái Phật Giáo, có lẽ do ảnh hưởng của Ấn Giáo, thì cho là muốn được giải thoát, bắt buộc phải đầu thai làm người nam. Trong Hồi Giáo, vai trò của phụ nữ bị giới hạn như thế nào là một điều ai cũng biết. Đạo Ky Tô Chính Thống thì chấp nhận cho linh mục lập gia đình, nhưng không chấp nhận có nữ linh mục. Riêng Công Giáo La Mã hoàn toàn khoá kín vấn đề này, viện dẫn sứ mạng giáo hoá (Magistère) của Đức Giáo Hoàng. Chỉ có một phần lớn các giáo hội Tin Lành (và Anh Giáo) là chấp nhận cho các giáo sĩ lập gia đình, và chấp nhận phong chức mục sư hay linh mục (trường hợp Anh Giáo) cho quý bà, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong việc sắc phong Giám Mục. Cần nhắc lại là Nữ Hoàng Anh là Giáo Chủ của Anh Giáo, tức một vai trò tương đương với Giáo Hoàng trong Công Giáo La Mã … (1)
Vì sao có sự kỳ thị ấy ? Một lý do thường được viện dẫn là các cơ chế xã hội đều được làm ra bởi đàn ông để đảm bảo sự ưu thắng của họ trên phụ nữ. Tôn Giáo như một biện minh của hệ thống giá trị cấu thành các cơ chế xã hội, cũng không ra ngoài quy luật ấy.
Một số người cũng viện dẫn những lý do thực tế, như sự phiền phức có thể có nếu đưa phụ nữ vào giáo đoàn, hay cho các giáo sĩ lập gia đình … Nhưng các lý lẽ ấy ít khả năng thuyết phục trước thí dụ của các nữ giáo sĩ Tin Lành và các mục sư Tin Lành hay linh mục Anh Giáo có gia đình …
Sâu xa hơn, người ta có thể nhận thấy một tâm lý sợ sệt của đàn ông trước quý bà … Thật ra, mặc cảm yếu kém của nam giới đối với phụ nữ thường được gắn liền với sự giới hạn của khả năng tình dục của các ông, trong khi khả năng tình dục của đàn bà không có giới hạn. Quý ông có nhiều lúc « không được nữa », mà các bà lại cứ « muốn nữa ». Vì thế, trong tiềm thức, ông rất sợ bà, rất mặc cảm ! Những quy luật tôn giáo cũng như xã hội nhiều khi rất khắt khe đối với phụ nữ được nam giới đặt ra để khoả lấp sự yếu kém, mặc cảm, của mình, và kềm chế phái đẹp. Và vì luôn luôn lo sợ không thể thỏa mãn nổi các bà, nên luân lý “đàn ông” thường lên án tình dục, coi khoái cảm tình dục là tội lỗi. Sáng Thế Ký thuật lại lời Thiên Chúa lên án người nữ, rằng : « ngươi sẽ thèm muốn người nam, và người nam sẽ làm chủ ngươi » (Gen 3 :16). Thiên Chúa ở đây được tạo nên bởi tiềm thức của nam giới, để phủ lên ham muốn dục tình một tấm màn nguyền rủa, một ấn tượng xấu xa (2), một nguyên nhân để người nữ phải phục tùng người nam. Lý do chỉ vì mặc cảm lo sợ không thể thoả mãn nổi ham muốn ấy. Những người mặc cảm nhiều đến mức độ nào đó thì trở thành hung bạo, làm những chuyện quá đáng. Napoléon, Hitler, đều có vấn đề tình dục. Biết bao nhà độc tài, bạo chúa, cũng ở trong tình trạng ấy, và phải chăng đó chính là những động cơ của các hành vi của họ, đưa thế giới đến tình trạng hiện nay ? Từ lập luận ấy, người ta nghĩ rằng có thể thế giới sẽ mang một bộ mặt khác, nếu người đàn ông đỡ mặc cảm, đỡ hoang mang lo lắng cho cái khả năng tình dục của mình ? Nếu Thiên Chúa là đàn bà, nếu các tôn giáo được lập ra bởi các bà, các luật lệ luân lý, xã hội, được quy định bởi « phái yếu », thì bộ mặt thế giới chắc sẽ hoàn toàn khác. Mặt khác, thế giới cho đến nay chỉ hoạt động với một phần khả năng của mình, tức chỉ với sự điều hành của nam giới. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Åsa Löfström, đại học Umea, Thụy Điển, thì : đạt đến quân bình nam nữ trong lãnh vực công việc làm sẽ nâng cao tổng sản lượng quốc gia lên khoảng từ 15 đến 45 % !
Tóm lại, các nhà tôn giáo chỉ nghe lời những « thảo trình » đã cài xâu trong tiềm thức của họ, để kỳ thị phụ nữ. Các biện minh dựa trên Niềm Tin, trên Thần Học … đều từ đó mà ra. Vì sinh hoạt của đa số các tôn giáo độc thần thường bị tách rời khỏi thực tế xã hội, như trong trường hợp thuốc ngừa thai (3), nên phán quyết của các tôn giáo này hay lâm vào tình trạng chậm trễ đối với những biến đổi của xã hội, đưa đến một tình trạng căng thẳng, và vào một lúc nào đó, sẽ đòi hỏi phải hối hả chạy theo bắt kịp xã hội, với nhiều rủi ro vấp ngã …
Nguyễn Hoài Vân
18 tháng 9 năm 2010
Chú thích :
(1) Công Giáo la Mã từng có một Giáo Hoàng bị ngờ là nữ giới, có tên là Jeanne, đăng quang vào khoảng từ năm 855 đến 858, có thể đưa đến nghi thức kiểm tra giới tính của các người được phong Giáo Hoàng từ sau đó.
(2) Xem « Sáng Thế Ký đọc bởi một người Việt Nam »
(3) Xem :
Thuốc tránh thai : lược sử
Bài đọc thêm :
(xin bấm vào các bài muốn đọc)