Tình hình phân hoá xã hội
Sự phát triển của sức sản xuất và kinh tế đã tạo ra sản phẩm thặng dư trong xã hội, từ đó tác động trực tiếp tới phân hoá xã hội, thể hiện nổi bật ở hai hiện tượng:
Một là vào cuối thời Hùng Vương, những gia đình nhỏ đã ra đời và trở thành tế bào kinh tế xã hội đồng thời chế độ mẫu hệ cũng chuyển dần sang chế độ phụ hệ. Những truyền thuyết Sơn Tinh-Thuỷ Tinh, Chử Đồng Tử-Tiên Dung, trầu cau… đều phản ánh tập tục cư trú bên nhà chồng – hình thức hôn nhân phụ hệ của gia đình nhỏ. Theo Tiền Hán thư, kết quả đầu tiên điều tra hộ khẩu của nhà Hán vào đầu thời Bắc thuộc cho biết: Quận Giao Chỉ (Bắc Bộ) có 92.440 hộ, 746.237 khẩu, trung binh mỗi hộ có 8 người; quận Cửu Chân (Bắc Trung Bộ) có 35.743 hộ, 166.613 khẩu, trung bình mỗi hộ có khoảng 4-5 người. Như vậy, những gia đình nhỏ chắc chắn phải được hình thành từ trước thời Bắc thuộc, tức cuối thời Hùng Vương. Tuy nhiên, bấy giờ truyền thống và tàn dư của chế độ mẫu hệ đại gia đình còn đậm nét.
Hai là sự hình thành và tồn tại bền vững của công xã nông thôn với chế độ sở hữu chung về ruộng đất. Theo C. Mác, công xã nông thôn là hình thái tổ chức xã hội xuất hiện phổ biến vào giai đoạn tan rã của công xã nguyên thuỷ và quá độ sang xã hội có giai cấp. Công xã nông thôn có đặc trưng cơ bản khác với công xã thị tộc là: Trong công xã nông thôn, tuy ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu còng xã nhưng đã được phân chia cho các thành viên công xã, những gia đình nhỏ để canh tác và các thành viên được quyền sở hữu sản phẩm lao động của mình.
Những di tích khảo cổ học thời Hùng Vương cho thấy những chứng tích về sự tụ cư và định cư của công xã nông thôn trên những phạm vi thường rộng hàng ngàn mét vuông cho đến một vài vạn mét vuông với tầng văn hoá khá dày. Trước đây, những công xã nông thôn đó có những tên gọi cổ như kẻ, chiềng, chạ… sau này được gọilà làng xã. Mỗi công xã nông thôn gồm một số gia đinh sống quây quan trong một khu vực địa lí nhất định. Trong công xã nông thôn bên cạnh quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống vẫn được bảo tồn, cho đến những thời kì sau này có nhiều tên làng mang tên một dòng họ như Hoàng Xá, Cao Xá, Lê Xá, Đặng Xá, Dương Xá…