Vào Cổ thời, con người sống trong một thiên nhiên được hình dung như có những giới hạn và quy luật tương đối chính sác. Lý tưởng của người thời ấy là tìm cho mình một chỗ đứng thích nghi trong « trời đất », thuận theo những quy luật của vũ trụ, hòa hợp với thiên nhiên … Lý tưởng y đặt nạng sự thể hiện bản thân, như một trạng thái « hoàn hảo » nhất có thể được. Khi nghĩ mình đã đạt đến trạng thái ấy, thì người xưa  an trú trong đó, và bằng lòng với những gì « mẹ thiên nhiên » đem đến, trong dòng thời gian lưu chuyển theo chu kỳ, như bốn mùa qua lại.
Đến thời hiện đại thì nhãn quan về cuộc sống hoàn toàn đổi khác. Vũ trụ trở thành vô hạn, và người ta cũng cảm thấy nhu cầu mỗi lúc phải đẩy lùi mọi ranh giới, của quan sát, của hiểu biết, của tiện nghi, phú hữu, sức khỏe, tuổi thọ, v.v… Thiên nhiên không còn áp đặt quy luật của nó trên con người nữa, mà con người dựa vào sự khám phá ngày một sâu xa những định luật của thiên nhiên để không ngừng khắc phục nó. Lý tưởng không còn là tìm một chỗ đứng trong thiên nhiên, mà là luôn mãi « nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn » như châm ngôn của Phong Trào Thế Vận (citius, altius, fortius).
Trong bối cảnh ấy, thể tháo gia ở một trình độ nào đó không còn đi tìm một sự « hoàn hảo » đã được định trước, một trạng thái quân bình phản ảnh sự hoàn hảo của thần linh và vũ trụ (1), mà luôn phải đẩy lùi những giới hạn, chạy theo một mục tiêu không ngừng vuột khỏi tầm tay mình.
Khi xưa anh chàng Sisyphe phải đẩy một tảng đá lên đỉnh núi rồi nhìn nó lăn trở xuống chân núi, để phải không ngừng lập lại cố gắng của mình trong một thời gian lưu chuyển theo chu kỳ.
Ngày nay, giới « lực sĩ » cũng nêu cao gương mẫu của Sisyphe, nhưng trong một thời gian tiến theo đường thẳng, với sự cố gắng trở thành thường trực. Mặt khác, nếu Sisyphe không thể nhìn thấy được một mục đích nào cho việc lăn tảng đá của mình, thì ngày nay, nỗ lực của các thể tháo gia có những mục đích rõ ràng. Đó là các kỷ lục luôn phải phá vỡ. Năm 1912, kỷ lục nhảy cao là 2m, kỷ lục hiện tại là 2m45, tức 1 cm cao hơn khung lưới bóng đá ! Cũng năm 1912, kỷ lục chạy 100m là 10,6 giây, ngày nay, chỉ còn 9,58 giây. Kỷ lục huy chương bơi lội của Mark Spitz một thời được coi như « thần kỳ » (11 huy chương, 9 vàng) bị Michael Phelps phá tan với 25 huy chương, 21 vàng …
Thật ra, con người hiện đại không chỉ khắc phục tự nhiên, mà còn bước ra ngoài nó. Một số  lực sĩ với cơ bắp phát triển vượt mức, trở thành « dị hợm » theo cách nhìn « tự nhiên ». Cơ thể của họ bị đưa vào một trạng thái bất thường, phá vỡ tình trạng quân bình gắn liền với sự « khỏe mạnh ». Nhiều cầu thủ Rugby, hay Fotball Mỹ, trở thành béo phì sau giai đoạn tranh sức trên sân cỏ, và tuổi thọ của họ bị suy giảm. Các lực sĩ loại này thường chấp nhận rủi ro tổn thương cơ thể, như đòi hỏi những trị liệu cấp thời với nhiều phản ứng phụ (như tiêm cortisone vào gân, khớp), để có thể tiếp tục tranh thủ những thành quả thể thao ngày một khó khăn hơn.
Không những thế, áp lực đẩy lùi mọi giới hạn khiến một số thể tháo gia không ngần ngại sử dụng những hóa chất cấm kỵ, dù biết rằng điều ấy tai hại cho sức khỏe. Trong lãnh vực này, họ phải đứng trước phán quyết của một công chúng đầy mâu thuẫn :
Một mặt người ta đòi hỏi họ phải bằng mọi giá « nhanh, mạnh và cao hơn », mặt khác nếu bị khám phá đã dùng đến « doping » thì là một sự sỉ nhục to lớn. Trong bối cảnh các chất kích thích được sử dụng rộng rãi trong công chúng, từ cà phê, rượu, thuốc lá, cho đến nhiều loại thuốc men, ma túy … thì thể tháo gia đóng vai « vật tế thần » mỗi khi bị khám phá. Người ta hoàn toàn chấp nhận việc các ca sĩ, diễn viên, văn sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn, soạn giả phim, kịch, quản trị viên hay nhân viên một số xí nghiệp (như các traders …), sử dụng thuốc kích thích hay ma túy. Nhưng điều ấy lại bị coi như cấm kỵ đối với giới thể thao, mặc dù việc vượt qua hàng rào cấm đoán này gần như là một sự mặc định, đặc biệt trong một số bộ môn như chạy bộ (2), xe đạp … Qua thăm dò, người ta biết rằng số công chúng theo dõi cuộc đua xe đạp « Vòng nước Pháp » sẽ giảm đi rất nhiều nếu tốc độ trung bình của cuộc đua kém đi …
Vấn đề mà thể thao cao cấp đặt ra cho xã hội, nằm ở chính cái « công chúng » này. Tâm lý « vượt thắng mọi giới hạn » không chỉ đóng khung trong cộng đồng các lực sĩ ở trình độ quốc gia hay quốc tế. Việc thương mại hóa thể thao, quảng bá rộng rãi và đề cao những khía cạnh ngoạn mục nhất của nó đến mọi tầng lớp công chúng, trong tinh thần duy lợi, đã khiến cho toàn xã hội quan niệm sự « vượt thắng mọi giới hạn » bằng mọi giá, như một lý tưởng. Người ta sẵn sàng hy sinh một phần sức khỏe của mình cho những mục tiêu không những trong lãnh vực thể thao (3), mà cả trong vô số chuyện phù phiếm khác, như tăng năng suất trong công việc, tăng thu nhập để tiêu thụ nhiều hơn, trẻ hơn, « đẹp » hơn, chinh phục nhiều bạn trai, bạn gái, tăng số người trong friend list, tăng số « like » trên mạng xã hội, v.v…
Và quên mất một việc (có vẻ) đơn giản, là : trở thành chính mình !
Nguyễn Hoài Vân
9/8/2016
(1) biểu tượng của sự hoàn hảo này có thể được nhìn thấy qua những tiêu chuẩn của mỹ thuật Cổ Hy Lạp, được tôn trọng cho đến trước thời hiện đại.
(2) Từ năm 2000, đã có hơn 50 huy chương thế vận bị thu hồi vì dùng thuốc kích thích. Vào năm 2004 người ta đã phải rút cafein ra khỏi danh sách các chất « doping », dù nó hoàn toàn hội đủ tiêu chuẩn để bị cấm, vì cafein được sử dụng một cách quá rộng rãi trong giới thể thao ! Một thăm dò trước giải vô địch triathlon năm 2005, cho biết 89% lực sĩ dùng cafein trước khi tranh tài.
(3) Tôi từng thấy những người mẹ cho con hít ventoline (một thuốc trị suyễn, được dùng như chất kích thích) trước một cuộc đua xe đạp hay đấu quần vợt !