Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhận cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau, mẹ thương con còn thơ dại, cũng mủi lòng sụt sùi khóc. Thế là trong khi hai họ đang vui mừng yến ấm ở nhà ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về. Tiệc tan, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám đại loại như vậy, người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, đần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ.
Một vài địa phương, cả bố cô dâu cũng không đi đưa dâu với lý do con mình đã gả bán cho người. Tuy rằng trong văn sách có ghi “Giá thú bất luật tài” nghĩa là không bàn đến tiền tài trong việc cưới hỏi, nhưng không hiểu vì sao trong ngôn từ Việt Nam là kết hợp “Gả bán” liền nhau.
Thời nay hôn nhân tự do, trai gái tìm hiểu, yên nhau kết hôn trên cơ sở tình yêu đôi lứa, cha mẹ chỉ tham gia góp ý, hướng dẫn, vậy thì cha mẹ có nên đến dự lễ vui của hai con không? Đã có nhiều đám cưới ngày nay bỏ tục kiêng này.