Công đức tu hành, sư có lọng – Xu hào rủng rỉnh, “cố” ngồi xe
§§§§§§§§§§§§§§§§§
Người ta cho là Đức Phật đã tiên liệu giáo pháp của mình sẽ bị suy thoái sau 500 năm. Thật vậy, giới tăng lữ thuộc loại “thày cúng” sau này nỗ lực lập lại khuôn mẫu của Ấn Giáo-Bà La Môn (từng lan khắp “thế giới Ấn Âu”) (1), bóp méo lời Phật, cho ra một tập đoàn Pháp Sư tương tự như các Brahmane, tức đẳng cấp ký sinh trùng ăn trên ngồi trước, dựa trên sự mê tín, lo sợ và tham lam của tín đồ. Công Giáo cũng nằm trong dòng văn hóa Ấn Âu ấy, và cũng phát triển ra một đẳng cấp giáo quyền tương tự. Thậm chí câu “người ta chờ đợi đức Ky Tô, nhưng chỉ thấy Giáo Hội xuất hiện” đã trở thành một ngạn ngữ.
Xin nhắc lại là chữ Tỳ Kheo, dùng để chỉ những người trong giáo đoàn của Phật, có nghĩa là “ăn mày” (phiên âm Hán tự của chữ Sanskrit : Bikkhu = ăn mày, cho ra Begger trong tiếng Anh). Giáo đoàn ăn mày này có giới luật là chỉ được ăn của bố thí trước giờ Ngọ, và những gì còn lại, phải đem cho người nghèo chứ không được giữ đến ngày hôm sau (giống như dòng tu hành khất Phan Xi Cô – Franciscain – của Công Giáo, lúc ban đầu). Tức là họ cũng không sản xuất, cũng sống bám vào xã hội, nhưng ở mức thấp nhất, vì chỉ xin để ăn mặc đơn sơ, chứ không xây cất chùa chiền, đúc chuông, lập tượng, ấn tống kinh sách v.v… Họ còn có một chức năng điều hòa, tái phân phối, khi lấy của bố thí đem tặng lại cho người nghèo.
Ngày nay, không còn có chuyện “xin ăn cấm giữ đến ngày hôm sau”. Trong các nước theo Phật Giáo Nguyên thủy, khất thực chỉ có tính cách hình thức. Chùa chiền tại các nước này nguy nga lộng lẫy, vàng ròng sáng chói, cho thấy mức độ ăn hại phú hữu công cộng của giới sư sãi. Trong các nước thuộc Phật Giáo Đại thừa, thì tình trạng có lẽ còn tệ hại hơn gấp bội phần …
Phía Công Giáo, hay Chính Thống Giáo, Đức Ky Tô từng nói ngài “không có đến một hòn đá để gối đầu”, nhưng các “môn đệ” của ngài sau đó, thì … khỏi bàn !
Các sự chuyển hướng có tính cách “kinh tế” này đi liền với những “cập nhật” trên phương diện giáo pháp và tín lý.
Tuy biết “Vô Ngã” (2) là đặc thù của Phật Giáo, đối nghịch với Bà La Môn, nhưng người ta vẫn tìm cách bày ra “thức” này “thức” nọ, thậm chí cả hồn, vía, v.v… nhằm thay thế cái “ngã không còn được gọi là ngã”, để tiếp tục biện minh cho việc tái sinh kiếp này sang kiếp khác. Người tín đồ không những phải lo lắng cho đời sống hiện tại đầy bất trắc, với đủ mọi “pháp môn” cầu phước tránh họa, còn phải lo cho muôn triệu “a tăng tỳ kiếp” tương lai. Rồi, lo cho riêng mình chưa đủ, họ còn được “khuyến cáo” là phải lo cho cả “a tăng tỳ kiếp” của tổ tiên hàng chục đời của họ, nếu không sẽ mang tội bất hiếu, đọa vào địa ngục ! Mỗi lần như thế là thày cúng hoan hỷ thu tiền. Ôi ! nếu luân hồi chỉ cần “hiểu ra”, tức “giác ngộ”, là tự nhiên biến mất, thì làm sao mà thực có được để cho thày cúng làm ăn ?
Trong giáo thuyết Ky Tô, sự chuyển hướng của giáo thuyết cũng tương tự. Đức Ky Tô bảo : “người giàu vào được nước Trời khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim”. Khổ nỗi, nhà giàu là khách hàng chủ yếu của thày cúng, nên chúng lập tức dãy nảy lên mà rằng : Ấy ! Ngài nói thế, nhưng không phải thế đâu ! Cứ siêng năng cúng dường cho nhà thờ là mọi chuyện sẽ ngon lành ngay !
Khi có người muốn theo đức Ky Tô, nhưng xin về lo chôn cất bố mới qua đời, thì Ngài gạt đi ngay : “Hãy để người chết chôn người chết ! Phần anh, cứ đi theo ta”. Thày cúng hốt hoảng : không có lễ mồ lễ mả, cúng keng, giỗ giếc đều đặn, suốt năm này qua tháng khác thì chúng mất một mối lợi khổng lồ. Thế là lại bảo : Ấy ! Ấy ! Nói vậy chứ không phải vậy đâu !
Thật đúng là : “Công đức tu hành, sư có lọng
Xu hào rủng rỉnh, cố (3) ngồi xe”
Nguyễn Hoài Vân
27/03/2015
(1) Mô hình này bao gồm ba chức năng được phân định bởi Dumezil, tương ứng với ba đẳng cấp : Pháp sư (Brahmane), Chiến Sĩ và thường dân. Nhớ là Phật Thích Ca thuộc đẳng cấp Chiến Sĩ.
(2) Xem : Vài nhận định đơn giản về Vô Ngã, Tái Sinh, Luân Hồi
(3) cố đạo