Sự xuất hiện các liên minh bộ lạc đã dẫn đến nhu cầu phải tập trung quyền lực và phải có các thiết chế để thực thi quyền lực. Người đứng đầu các liên minh có vị trí và vai trò quan trọng, được trao quyền lớn hơn và quyền lực trở thành một “thứ tài sản” đặc biệt để thừa kế cho các thế hệ tiếp sau. ở nước ta thời kì này, người đứng đầu các liên minh bộ lạc được gọi là Hùng Vương.
Có nhiều ý kiến khác nhau giải thích về danh hiệu Hùng Vương. Có thể chữ “vương” được phiên âm từ tiếng Hán, có nghĩa là vua. Trong thời sơ sử ở Trung Quốc cũng đã từng có hiện tượng và cách gọi tương tự như vậy. Khoảng thiên niên kỉ III tr.CN, ở lưu vực sông Hoàng Hà có nhiều bộ lạc như Hoàng đế, Thiếu hiệu, Thái hiệu… sau đó đã hình thành liên minh bộ lạc lớn mạnh do Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ Vũ kế tiếp nhau được bầu làm thủ lĩnh. Những vị thủ lĩnh này cũng đều được truyền thuyết dân gian gọi là vua: Vua Nghiêu, Thuấn, Vũ… Còn chữ “hùng”, trong tiếng Mường có từ “kun” chỉ người cai quản một mường (vùng), trong tiếng Môn-Khơme và tiếng Mường có từ “khun” chỉ người tù trưởng, thủ lĩnh. Do đó, có thể là chữ “hùng” được phiên âm bằng chữ Hán một từ Việt cổ có ngữ âm, ngữ nghĩa gắn với những từ “kun”, “khun” để chỉ người tù trưởng, người thủ lĩnh.
Như vậy, có thể coi giai đoạn Phùng Nguyên là giai đoạn mở đầu của sự hình thành nhà nước đầu tiên ở nước ta.
Quá trình chuyển hoá quyền lực xã hội thành quyền lực nhà nước
Trong chế độ công xã nguyên thuỷ ở nước ta lúc đầu chưa có quyền lực nhà nước, mà chỉ có quyền lực xã hội do cộng đồng giao cho một người hay một nhóm người để tổ chức và thực hiện chức năng quản lí xã hội trong cộng đồng. Các chức năng xã hội đó rất đa dạng như: phân công lao động và phân phối sản phẩm giữa các thành viên trong cộng đồng; phân xử những vụ xích mích, tranh chấp; tổchức những lễ nghi tôn giáo; huy động sức người, sức của và tổ chức chỉ đạo việc trị thuỷ-thuỷ lợi hoặc chống những cuộc chiến tranh với bên ngoài… Đặc trưng cơ bản của quyền lực xã hội là nó xuất phát từ cộng đồng, chịu sự kiểm soát của cộng đồng và vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Tuy nhiên, chính yếu tố quyền lực được trao cho một cá nhân hay một nhóm người là mầm mống dẫn đến sự chuyển hoá và làm phát sinh quyền lực nhà nước. Ph. Ăngghen viết: