Thật vậy, Siêu Hình Học “tư biện” tuy bàn đến những vấn đề không thể kiểm chứng được, nhưng nó có một ưu điểm rất lớn là biết đặt những đề tài ấy dưới ánh sáng của lý trí. Thí dụ : đồng ý rằng Thượng Đế không thể nào kiểm chứng được, nhưng ý niệm Thượng Đế trong Siêu Hình Học, dù cho có bàn qua cãi lại, nhưng nói chung, cũng có công dụng là thường đi kèm với những đặc tính có khả năng giúp nhiều người sống tốt đẹp hơn. Nếu buông bỏ nó đi, thì người ta mặc nhiên nhường chỗ cho những rao truyền, phán quyết hàm hồ, phi lý, những khuynh hướng cực đoan, bạo động, đưa đến nhiều tai hại cho xã hội.
Đành rằng trong lĩnh vực này, người ta buộc phải dựa vào những hiểu biết khoa học, nhưng phải chăng Bản Thể Luận cũng là bàn về những tiền đề của hiểu biết ? Nói cách khác, để hiểu biết, chúng ta cần “biết sẵn” một số điều được coi như đương nhiên, những yếu tố “tiên nghiệm”, những điều kiện tiên quyết để tâm trí chúng ta có thể tiếp cận thực tại. Thí dụ như khi tôi nói đến một cái bàn (một “sự vật”), thì sự kiện nó chiếm một khoảng không gian là một điều đương nhiên. Khi nghe một bài hát (một “biến cố”), ý niệm nó chiếm một khoảng thời gian là một tiền đề không cần suy nghĩ, cũng như sự kiện khoảng thời gian ấy là một đối với bạn và tôi. Khi có người gõ cửa nhà (“cá nhân”), tôi biết rằng hắn có một chủ ý, và mang tiềm năng hành động. Khi bảo bạn Cún là một con chó, tôi mặc định bạn ấy không thể là một con mèo, Tôi tiên nghiệm rằng vì trời mưa nên Tèo bị ướt, chứ không phải ngược lại, rằng thành phần của một sự vật luôn nhỏ hơn sự vật ấy, v.v… Những “tiền đề” này đã được mô tả một cách cố định vào thế kỷ 19.
Đến thời Kant thì Siêu Hình học có thể được chia ra như sau :
1) Siêu hình Học tổng quát, là Bản Thể học (Ontologie)
2) Siêu Hình Học cá biệt, với ba đối tượng chính :
– linh hồn (psyche), cho ra tâm lý học (psychologie)
– Thiên Chúa, cho ra Thần Học (théologie)
– Sự vật trong trời đất vũ trụ, cho ra “cosmologie”.
Kant bác bỏ những gì không kiểm chứng được bằng thực nghiệm (tức gần như toàn bộ siêu hình học), cho chúng chỉ là “tư biện” (spéculatif), là “vận động khái niệm”. Chỗ dựa duy nhất mà ông chấp nhận cho siêu hình học, là tính thực dụng của chúng. Thí du người ta sẽ dễ làm điều thiện hơn, nếu tin có Thiên Chúa, có linh hồn vẫn”sống” sau khi chết, và có tự do. Những thứ ấy không thể chứng minh được. Chúng hiện hữu, hay không hiện hữu, không quan trọng, điều quan trọng là chúng hữu dụng.
Đồng thời Kant lại nhận xét là làm điều thiện để được hưởng phúc lợi ở đời sau, không hẳn là làm điều thiện … Tức là những gì còn lại để biện minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa và linh hồn trở thành mong manh như hạt sương trên cọng cỏ …
Ít lâu sau đó, Hegel phục hồi “triết học tư biện”, cũng như siêu hình học, nhưng không phải siêu hình học thời trước Kant (gọi là siêu hình học Wolffien – tên của Christian Wolff một giáo sư triết ngự trị khắp các đại học thời ấy, nay đã bị lãng quên), mà siêu hình học cổ (Hegel rất thích được gọi là “Aristote tân thời” !).
Ngày nay, “sự vật trong trời đất vũ trụ” rời khỏi lĩnh vực siêu hình để trở thành đối tượng của khoa học, còn Bản Thể Học thì chỉ hiện diện trong sự đối thoại liên tục với những hiểu biết của các ngành khoa học.