Socrate, người thường tự cho là mình không biết gì cả, đề nghị cùng Menon tìm học một vấn đề.

Sau đây là cuộc đối thoại giữa họ :

Menon : Ông sẽ tìm học thế nào, hỡi Socrate, cái điều mà ông mù tịt chẳng biết nó là gì ? Ông sẽ dựa vào điều không biết nào để dẫn đường cho sự tìm kiếm ? Rồi giả sử trên con đường mò mẫm, ông có tình cờ gặp được nó, thì làm sao biết được đó là cái mà ông đang tìm học ?

Socrate : Tôi hiểu, Menon. Quả thực là một lập luận khó cãi. Phải chăng tìm học cái mà mình đã biết, và cái mà mình không biết, đều vô nghĩa ? Tìm học cái mình đã biết làm gì, mình đã biết nó rồi, và tìm học cái mình không biết làm sao được, vì không biết phải tìm cái gì.

Menon : Hay đấy chứ, phải không Socrate ?

Socrate : Nhưng chắc chắn là không hay đối với tôi

Menon : Ông cắt nghĩa tại sao đi nào.

§§§§§§§§§§§§

Giải đáp cho vấn nạn “Không thể tìm học bất cứ gì” :




Cuộc đối thoại giữa Menon và Socrate có vẻ như đùa giỡn, nhưng có thể được nhìn như báo trước một cuộc quyết đấu sinh tử, mà kết cuộc là cái chết của Socrate, bị kết án “đầu độc tuổi trẻ” bởi chính quyền thành Athènes. 

Đầu tiên Menon hỏi Socrate làm thế nào biết được Đạo Đức ? Phải học, phải luyện tập, hay tự nhiên biết ? 


Socrate bảo mình mù tịt chẳng biết gì về vấn đề ấy, và đề nghị Menon soi sáng cho ông.
Menon sổ ra một loạt những mô tả Đạo Đức trong nhiều trường hợp, kiểu gia trưởng phải như thế nào, rồi người vợ, người con, người già, kẻ nô lệ v.v… phải cư xử ra sao ? 


Socrate trả lời là ông rất may mắn, vì chỉ hỏi Menon có một tí về đạo đức mà được Menon tặng cho một bầy lý thuyết về đủ loại đạo đức (như tổ ong !). Tuy nhiên tất cả những thứ ấy chỉ là những mô tả của đạo đức, nhưng vẫn chưa cho thấy đạo đức ra sao ? Điều gì cho phép khẳng định tất cả những thứ mà Menon tuôn ra, là đạo đức ? 


Sau vài trao đổi, Menon bối rối, buộc phải nhận rằng anh ta tưởng mình biết nhưng thật ra là không biết, rồi so sánh Socrate như một con cá đuối, làm tê liệt tâm trí anh ta, khiến anh không còn biết nói ra sao ? 


Menon, cũng cho là nếu Socrate du hành sang các đô thị khác, thì có nhiều rủi ro sẽ bị kết án là phù thủy. Một câu nói đầy đe dọa, nếu chúng ta biết rằng Menon là một người quý tộc thành Thessalonique, đến Athenes, làm khách ở nhà Anytos, một trong ba người sẽ lên án Socrate, ít lâu sau đó … 


Socrate chỉ trả lời rằng Menon là một người “láu lỉnh” (panurgos – nhớ nhân vật Panurge, trong truyện Pantagruel của Rabelais). Rồi ông đề nghị cùng Menon tìm học về vấn đề đạo đức. Khi ấy Menon mới phủ định việc có thể tìm học bất cứ gì. Lập luận ấy, nếu xét cho cùng, thì dồn Socrate vào đường cùng, vì theo Menon, trước một vấn đề, người ta chỉ có thể biết hoặc không biết, không thể “tìm học”. Socrate tự cho là mình không biết, nên chỉ còn có nước là … chịu dốt suốt đời ! 


Thông thường Socrate để cho người đối diện tự tìm lấy giải đáp, nhưng trước tình huống này ông buộc phải “hé lộ  thiên cơ”, cho rằng vấn đề Menon đặt ra dù rất sắc xảo, nhưng chỉ là ngụy biện. Ông đề nghị : Học là nhớ lại. Tri kiến đã có sẵn trong tâm mình, chỉ cần mượn những điều kiện thực tế (như những câu hỏi) để đi tìm trong đó và nhớ lại chúng. 


Để minh chứng, Socrate gọi đến một anh nô lệ dốt nát, và hỏi anh ta làm thế nào nhân đôi diện tích của một hình vuông. Ban đầu anh nô lệ (cũng như Menon) đề nghị ngay một giải đáp (nhân hai các cạnh), rồi một giải đáp khác, và cũng rơi vào sai lầm. Như Menon anh ta cảm thấy trí tuệ mình bị tê liệt. Socrate coi đó là điều kiện để bắt đầu tìm học. Dần dần, với những câu hỏi của Socrate, anh nô lệ tìm ra giải đáp. Socrate khẳng định : anh ta chỉ nhớ lại, vì chưa từng học điều ấy, và suốt trong câu chuyện, ông ta chỉ đặt câu hỏi. 


Truyện Menon còn kéo dài với sự nhập cuộc của Anytos và việc trở lại câu hỏi đầu tiên về sự truyền bá đạo đức.

 
Nguyễn Hoài Vân
 31/10/2014


Đọc thêm :