Đáng lẽ mừng đám cưới như tục lệ trói buộc thành ra lo đám cưới. Tục cũ đã truyền nhiễm lâu không dễ một mai đổi ngay được. Vậy phải làm thế nào?

Để giúp các gia đình cưới dâu, một số gia vùng nông thôn có tục góp lễ cưới: đầu năm gia đình báo cho họ hàng xóm giềng biết dự định cưới dâu vào tháng nào, thông thường vào sau vụ thu hoạch. Lần lượt các gia đình đóng góp các khoản gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh, rượu hoặc tiền theo định lượng. Còn lợn gà thì gia đình nào tự liệu cho gia đình ấy.

Tục góp cưới cũng giống như hội tương tế tương trợ, hội cày cấy, hội lợp nhà… luân phiên các gia đình. Đây là một tục hay, cùng nhau lo dần đến lượt mình đỡ phải lo những khoản lớn. Tiền, quà cưới của khách, bạn đưa tới thực chất cũng là hình thức góp lễ cưới, nhưng không chủ động được kế hoạch, thứ có không cần, thứ cần không có, thành ra tốn kém. Lệ chơi họ ngày nay, chung vốn để kinh doanh buôn bán cũng là xuất phát từ hình thức góp tiền nhau để làm nhà cưới vợ, tậu trâu bò ở nông thôn. Vì xuất phát từ họ hàng giúp nhau nên mới gọi là chơi họ.

Nếu Đoàn Thanh niên địa phương nào vững mạnh, cán bộ đoàn công tâm liêm khiết tháo vát, tổ chức “Hội chơi họ cưới vợ” có kế hoạch quản lý kinh doanh sử dụng phân phối chặt chẽ, ắt được nhiều bạn thanh niên hưởng ứng, tham gia… Bước đầu cũng đã có một số địa phương tổ chức “Dịch vụ đám cưới” như mua sắm cho thuê quần áo cưới, bát đĩa, ấm chén bàn ghế, phông màn, tổ chức trang trí, chụp ảnh, ca nhạc…vừa kinh doanh gây quỹ, vừa phục vụ thuận tiện, có chế độ ưu đãi với người góp cổ phần,với Đoàn viên.