Người H’Mông khi vui buồn đều dùng tiếng hát để biểu lộ cảm xúc với nhiều hình thức sinh hoạt ca hát. Các đôi trai gái thường tìm hiểu nhau qua hình thức hát đối đáp. Trong đám cưới có điệu hát làm mối do ông mối hát với nhiều lời ca phù hợp tùy theo từng tình huống khác nhau như: hát khi ông mối đến nhà gái, hát chúc mừng tổ tiên, hát ca ngợi cô gái, hát lúc ăn cơm…

Nhạc cụ của người H’Mông khá phong phú, đa dạng, đặc biệt là các nhạc cụ hơi, có loại được làm từ những sản vật sãn có trong thiên nhiên, đơn giản nhất là cây kèn lá có thể bứt lá cây để thổi. Cũng có loại được chế tác kết hợp giữa các chất liệu thiên nhiên với kim loại như: sáo dọc, sáo ngang, khèn hoặc được làm hoàn toàn bằng kim loại như đàn môi. Nói chung, các nhạc cụ của người Mông chủ yếu được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, riêng khèn chỉ dùng thổi trong đám ma.

Kèn lá (Tru P’lông): Có thể bứt bất cứ lá cây gì cũng thổi được nhưng các cô gái H’Mông thường lấy lá sa nhân hoặc lá nghệ thổi, vì nó vừa dễ kiếm lại vừa dai và mềm, sẽ cho tiếng kèn đẹp hơn. Kèn lá thường thổi theo giai điệu của các bài dân ca Mông.

Sáo ngang tiếng Mông Lềnh là Tràng, còn người H’Mông Đu gọi là Chu trạn P’lai, thuộc họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do. Sáo được làm bằng cây sặt (một loại tre nhỏ) ở trên núi cao. Một đầu của sáo có mấu kín dùng để thổi, đầu kia để rỗng. Gần với mấu kín có đặt một lưỡi gà bằng đồng. Toàn bộ thân sáo dài khoảng 30cm, có 6 lỗ bấm ở phía trên và 1 lỗ bấm ở phía dưới. Sáo ngang được sử dụng chủ yếu trong giao duyên. Khi đi tán gái, các chàng trai Mông thường thổi ngang để gọi bạn tình.

Sáo dọc: người H’Mông Đu gọi sáo dọc là Trạn Trà thuộc họ hơi. Thân sáo được làm bằng tre dài 37cm. Một đầu ống được khét một khe nhỏ làm lỗ thổi, đầu còn lại để rỗng. Trên thân sáo có khoét 6 lỗ bấm để tạo cao độ. Sáo dọc là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng. Vào những đêm thanh vắng hay những lúc ngồi buồn, các chàng trai dùng tiếng sáo dọc để nói lên nỗi lòng riêng tư của mình.

Khèn: người H’Mông gọi là Kềnh. Kềnh là nhạc cụ họ hơi, chi lưỡi gà rung tự do. Kềnh được làm từ 6 ống nứa, mỗi ống đều có gắn một lưỡi gà bằng đồng. Các ống nứa được xếp thành hai hàng và cắm xuyên qua một bầu thổi bằng gỗ. Phần ống có lưỡi gà được đặt ở phía trong của bầu thổi. Kềnh là nhạc cụ kiêng kỵ chỉ thổi trong đám ma. Trong đám ma, người Mông Đu thường thổi Kềnh trong bữa ăn để làm vui cho mọi người và trên đường đi ra chỗ chôn.

Đàn môi theo tiếng H’Mông Lềnh là Z’tràng và tiếng Mông Đu là Chu trằn. Đàn môi dài khoảng hơn 10cm, được làm bằng một mảnh đồng dát mỏng có hình lá tre. Giữa mảnh đồng người ta cắt một hình giống như lưỡi gà. Khi chơi, đàn được đặt ngang giữa hai môi. Tay trái giữ phần gốc, tay phải bật nhệ đầu đàn làm rung lưỡi gà trong khoang miệng. Việc thay đổi khẩu hình dẫn đến thay đổi cột hơi trong khoang miệng tạo nên một số cao độ bồi âm và âm sắc khác nhau. Tiếng đàn môi kêu rất bé, các cô gái H’Mông thường gảy đàn môi vào đêm khuya thanh vắng để hò hẹn với bạn trai.

Đàn nhị: người H’Mông Đu gọi là Gâux lao zăng, thuộc họ dây, chi cung kéo. Gâux lao zăng thô sơ hơn đàn nhị và là nhạc cụ dành cho nam giới sử dụng. Với người H’Mông Đu, nếu như kềnh là nhạc cụ kiêng kỵ chỉ dùng trong đám ma thì lại dùng để đi tán gái. Khi đi chơi thấy thích cô gái nào thì kéo đàn để dụ dỗ. Cô gái thích sẽ hát lại một bài rồi hai người mới rủ nhau đi chơi. Chàng trai Mông Đu có thể chơi gâux lao zăng ở nhiều tư thế khác nhau như: đứng, ngồi hoặc vừa đi vừa kéo đàn.