Cuộc kháng chiến kéo dài 5-6 năm đã thắt chặt quan hệ đoàn kết gán bó của người Âu Việt và Lạc Việt. Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến càng củng cố và nâng cao uy tín của Thục Phán không những trong người Âu Việt mà cả trong người Lạc Việt. Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán. Truyền thuyết dân gian kể rằng, Hùng Vương theo lời khuyên của con rể là Thánh Tản Viên đã nhường ngôi cho Thục Phán. Thục Phán xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.
Tên nước Âu Lạc gồm hai thành tố Âu (Âu Việt) và Lạc (Lạc Việt) phản ánh sự liên hợp giữa hai nhóm người Lạc Việt và Âu Việt. Sự thành lập nước Âu Lạc không phải là kết quả của cuộc chiến tranh thôn tính mà là sự hợp nhất dân cư và đất đai Lạc Việt và Âu Việt. Nước Âu Lạc là bước phát triển mới, kế tục và cao hơn Văn Lang.
Nước Âu Lạc tồn tại khoảng 30 năm (khoảng từ 208 – 179 ư.CN). Theo thư tịch cổ, năm 208 tr.CN, nhà Tần phải bãi binh, cuộc kháng chiến chống Tần thắng lợi, có thể coi đó là mốc thành lập nước Âu Lạc. Năm 179 tr.CN, Triệu Đà đánh bại An Dương Vương, mở đầu thời kì Bắc thuộc.
Nhà nước sơ khai thời An Dương Vương, tổ chức bộ máy nhà nước
Đến thời Âu Lạc, thể chế nhà nước đã định hình rõ nét, quyền uy của vua được tăng cường. Theo truyền thuyết Nỏ thần, An Dương Vương đã bạc đãi, giết nhiều tướng giỏi. Cuối cùng, vì tách mình ra khỏi nhân dân, chiến đấu đơn độc và bị động trong thành cổ Loa nên cuộc kháng chiến chống Triệu do An Dương Vương lãnh đạo thất bại.
Trong triều An Dương Vương, giúp việc cho vua vẫn có lạc hầu. Lạc hầu là tướng văn, có thể đồng thời là tướng võ chỉ huy quân đội trấn áp các địa phương không chịu thần phục. Lạc hầu thay mặt vua giải quyết công việc trong nước. Theo truyền thuyết dân gian, trong triều An Dương Vương có nhiều tướng giỏi như Cao Lỗ, Nồi Hầu, Đinh Toán. Những người này là tướng võ, cũng có thể là lạc hầu. Ngoài ra, trong triều còn có một số bộ phận làm công việc tôn giáo, thu cống phẩm, giữ kho tàng, truyền lệnh vua…
Lạc tướng đứng đầu bộ, cai quản một đơn vị hành chính địa phương. Lạc tướng phải thu nộp công phẩm cho nhà vua. Lạc tướng thường xuyên truyền mênh lệnh từ trên xuống. Khi có chiến tranh, lạc tướng là thủ lĩnh quân sự địa phương và chịu sự điều động của nhà vua.