Cũng theo truyền thuyết dân gian và thư tịch cổ, nước Văn Lang được chia thành 15 bộ (15 khu vực). Việt sử lược cho biết 15 bộ đó vốn là 15 bộ lạc. Đứng đầu mỗi bộ lạc là lạc tướng hay còn gọi là phụ đạo. Như vậy, “bộ” một mặt thể hiện sự phân chia dân cư theo sự cắt đặt của “nhà nước”, mặt khác nó cũng thể hiện đó là đơn vị tụ cư tự phát nguyên thuỷ hay nói cách khác, đơn vị “bộ” mang tính nửa vời: “vùng – bộ lạc” hoặc “thị tộc, bộ lạc – đơn vị hành chính”. Công xã nông thôn cũng trong trạng thái tương tự như vậy.
Nhà nước Âu Lạc
Từ thực trạng trên, có thể nói thời kì Hùng Vương không còn đơn thuần là chế độ dân chủ quân sự bộ lạc nữa nhưng cũng chưa phải là đã có một nhà nước hoàn chỉnh, xét theo quan điểm lí luận chung. Tuy nhiên đó đã là một cơ cấu mới có một số đặc tính của một nhà nước trong tương lai.
Căn cứ vào truyền thuyết dân gian và thư tịch cổ… nhiều người đã nêu ra các giả thuyết về nhà nước Âu Lạc của Thục Phán – An Dương Vương, Tổng hợp những kết quả nghiên cứu cho đến nay, nhiều học giả đưa ra giả thuyết như sau:
Cư dân Văn Lang thời Hùng Vương chủ yếu là người Lạc Việt và còn có cả một bộ phận người Âu Việt (hay còn gọi là người Tây Âu)ở miền núi rừng và trung du phía bấc, hai thành phần đó sống xen kẽ nhau trong nhiều vùng. Phía bấc nước Văn Lang là địa bàn cư trú của người Âu Việt và cũng có những người Lạc Việt sống xen kẽ. Lạc Việt và Âu Việt vừa là đồng chủng vừa là láng giềng, từ lâu đã có nhiều quan hệ mật thiết về kinh tế, văn hoá. Có lẽ do tình trạng sống xen kẽ và do những mối quan hệ gần gũi về các mặt mà trong thư tịch cổ có khi phân biệt Âu Việt với Lạc Việt, có khi lại coi Âu Việt và Lạc Việt là một. Thục Phán là thủ lĩnh liên minh bộ lạc của người Âu Việt ở phía bắc nước Vãn Lang. Theo truyền thuyết của đông bào Tày, liên minh bộ lạc đó là nước Nam Cương gồm 10 xứ mường (9 mường của chín chúa và một mường trung tâm của Thục Phán), tức 10 bộ lạc hợp thành, cư trú chủ yếu ở vùng rừng núi phía bắc Bắc Bộ mà trung tâm là Cao Bằng. Nhân dân vùng cổ Loa (Hà Nội) cũng tương truyền rằng An Dương Vương Thục Phán vốn là một tù trưởng miền núi. Vào cuối đời Hùng Vương, giữa Hùng và Thục xảy ra cuộc xung đột kéo dài, nhiều làng vùng trung lưu sông Hồng thờ Thánh Tản Viên và những bộ tướng của vua Hùng đã từng theo Thánh Tản Viên đi diệt giặc Thục. Cuộc xung đột đang tiếp diễn thì Âu Việt và Lạc Việt cùng toàn bộ các nhóm người Việt trong khối Bách Việt bị nạn xâm lược đại quy mô của đế chế Tần. Khi tiến vào nước ta, quân Tần xâm phạm trước hết địa bàn cư trú của người Âu Việt. Thục Phán với vai trò thủ lĩnh liên minh bộ lạc phải đứng ra tổ chức chỉ đạo cuộc kháng chiến.