Do đó, các nghi lễ dân gian bản địa, nhất là các nghi lễ phồn thực đều bị cấm, cho là nhảm nhí. Dẫn đến các nghi lễ phồn thực từ chỗ đóng vai trò chính trong các lễ hội dân gian trước đó, phải nhường chỗ cho các nghi lễ kiểu Nho giáo, là các yếu tố ngoại sinh, để lui sang thành các nghi lễ “bên lề” hay trở thành các “hèm” tục trong các lễ hội truyền thống mà hiện nay vẫn còn. Mối quan hệ này của các yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã làm biến đổi đáng kể bộ mặt của hệ thống lễ hội cổ truyền, làm phong phú hơn hệ thống nghi lễ, nghi thức và đẩy nhiều nghi lễ cổ truyền bản địa vào sự tồn tại bên lề, trong vô thức của dân gian mà nhiều khi không còn có thể lí giải được, nếu như không bóc tách đúng, giải mã được các lớp phủ văn hoá của chúng.

Nền văn hóa được biến đổi thành yếu tố văn hóa mới

    Mặt khác, các yếu tố ngoại sinh khi du nhập vào nền văn hoá bản địa thì được tiếp nhận và biến đổi thành một yếu tố văn hoá mối (bởi nó chưa hề có trong văn hoá bản địa), có thể ở dạng nguyên mẫu, cũng có thể bị bản địa hoá đi tùy thuộc vào đặc điểm, khả năng tiếp nhận của nền văn hoá bản địa.

    Đặc trưng cho kiểu quan hệ này có thể kể đến các tôn giáo chính thông như: Nho giáo, Đạo giáo (từ Trung Quốc), Phật giáo (từ Ấn Độ) và Kitô giáo (từ châu Âu) du nhập vào nước ta đều phải theo con đường bản địa hoá (hay dân gian hoá, dân tộc hoá) và phong tục hoá. Khi các tôn giáo này du nhập vào nền vàn hoá Việt thì chúng phải tự điều chỉnh và biến đổi để có thể bắt rễ ăn sâu vào mảnh đất Việt. Vì vậy, những tôn giáo này đã khác xa với nguyên gốc ở chính quốc. Tuy nhiên, sự có mặt của các yếu tố văn hoá này đã làm cho nền văn hoá dân tộc Việt (bản địa) có nhiều thay đổi quan trọng về chất, chúng tạo cho nền văn hoá ấy một bước nhảy vọt trong quá trình phát triển của mình. Chẳng hạn như, Nho giáo và Phật giáo đã từng là hệ tư tưởng chính thống của văn hoá Đại Việt. Với vai trò đó, các hệ tư tưởng này đã để lại dấu ấn đậm đà và sắc nét trong nền văn hoá nước ta từ kiến trúc, điêu khắc, đến nghệ thuật văn chương; từ phong tục tập quán đến tâm lí dân tộc Việt, đâu đâu cũng thấy có những dấu ấn của chúng và còn hiện diện cho đến tận ngày nay.