Hai là một số luật pháp của phong kiến Trung Hoa đã được mang sang áp dụng ở Âu Lạc. Tuy nhiên, trong thời kì này luật pháp của phong kiến Trung Quốc nếu đã được áp dụng ở Âu Lạc thì chủ yếu điều chỉnh quan hệ hành chính giữa quận – bộ (thời Triệu) và quận – huyện (Tây Hán) và cũng chỉ có hiệu lực ở mức độ hạn chế, “ước thúc” các lạc tướng mà thôi.
Từ năm 23 trở đi, thái thú Tô Định ở Giao Chỉ và thái thú Nhâm Diên ở Cửu Chân đã tăng cưởng thi hành luật Hán. Sau khi đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện và các thứ sử, thái thú của chính quyền đô hộ sau này ngày càng đẩy mạnh việc áp dụng luật pháp Trung Hoa. Nhưng những luật nào của phong kiến Trung Hoa đã được áp dụng ở Âu Lạc thì không thấy nói tới trong các thư tịch cổ. Có thể luật Hán ở Âu Lạc có mấy loại sau đây:
– Những luật lệnh của Hoàng Đế Trung Quốc bổ nhiệm các chức quan cai trị ở Âu Lạc, quy định việc cống nạp thuế khoá của Âu Lạc…
– Một số trong các bộ luật của Trung Quốc có thể được áp dụng ớ Âu Lạc: Bộ Hán luật triều Hán, Băc Tề luật của nhà Tề, bộ Khai hoàng và bộ luật Đại nghiệp của nhà Tuỳ, bộ Đường luật sớ nghị của nhà Đường…
– Những luật lệ của thứ sử, tiết độ sứ, thái thú cai trị ở Âu Lạc.
Trong thời Bắc thuộc, chính quyền đô hộ trên thực tế chỉ khống chế trực tiếp dược các vùng quanh thành trấn, nhiệm sở, đồn binh và những nơi có dân Trung Hoa cư trú vì vậy luật pháp cũng chỉ có hiệu lực ở những vùng đó. Luật pháp Trung Quốc chỉ tác động đến người Hán ở Âu Lạc và những quý tộc người Việt và thưởng chỉ trong những lĩnh vực hành chính, hình sự, tài chính (thuế khoá).
Như vậy, có thể coi sự tổn tại song song của luật tục của người Việt và một số luật pháp phong kiến Trung Quốc ở Âu Lạc là đặc thù của tình hình pháp luật thời Bắc thuộc.