Lễ hội Tăm Khảu Mảu (Lễ hội giã cốm) là phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Tày, Thái, Mường… tỉnh Yên Bái nói chung và người Thái ở Nghĩa Lộ nói riêng, được tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Đó là lúc lúa nếp vừa chớm vào trắc, hạt lúa ngả màu vàng nhạt là thời điểm người dân tập trung làm cốm.

Lễ hội giã cốm là ngày hội của mọi lứa tuổi. Người già thì vui mừng phấn khởi thưởng thức hương cốm và chuẩn bị bước vào vụ mùa bội thu, trẻ thơ thì được nhảy múa, nô đùa dưới trăng thanh. Còn với nam nữ thanh niên, ngoài việc đua tài, khoe sắc thì đây cũng là dịp tạo điều kiện cho nhiều đôi bạn trẻ tâm sự hẹn hò, có những đôi sau mùa cốm đã nên vợ nên chồng.

Trong lễ hội giã cốm, tiếng chày, tiếng đuống chính là công cụ tạo ra nét độc đáo, hấp dẫn bởi những âm thanh phát ra từ những công cụ này được dân bản ví như những giai điệu âm nhạc mà không phải ở nơi nào cũng có được. Lễ hội giã cốm gồm 5 giai điệu gõ đuống (Quéng Lỏng).

Giai điệu thứ nhất là gõ đuống nhịp ba (Quéng Lỏng Kha Sam). Giai điệu này chỉ có ba đôi nam nữ thể hiện, mỗi người cầm một chiếc chày gõ xuống mép đuống theo điệu nhịp 3, âm thanh rộn ràng, lúc bổng, lúc trầm quện vào nhau nghe như thác nước đang nô đùa trong gió, thể hiện sự vui vẻ, yêu cuộc sống của con người.

Giai điệu thứ hai là gõ đuống kéo chảy (Quéng Lỏng Lạc Sác). Khác với điệu Kha Sam, điệu Quéng Lỏng Lạc Sác sử dụng đông người hơn, thường là 8 người chia nhau đứng ở 2 mép đuống mỗi bên bốn người, mỗi người cầm một chày gõ vào mép đuống theo điệu nhịp 2. Tiếng chày, tiếng đuống lúc này nghe như dàn đồng ca, minh họa cho sự rạo rực, phấn chấn của nhà nông lúc được mùa.

Giai điệu thứ ba trong lễ hội là gõ đuống theo nhịp con Cắp Cáng kêu (Quéng Lỏng Cắp Cáng). Điệu Quéng Lỏng Cắp Cáng được dựa theo truyền thuyết về tình yêu của một đôi trai gái nghèo, họ yêu nhau thắm thiết nhưng do lễ giáo phong kiến, mà không đến được với nhau.

Giai điệu thứ tư là điệu Nẹp Nứa (Quéng Lỏng Kèm Hừa). Đây là điệu Quéng Lỏng được dùng bằng hình tượng, khi chèo thuyền lướt sóng phải dùng mưu, để giữ thăng bằng cho con thuyền nhỏ khỏi bị lật khi gặp sóng to, gió lớn. Qua âm thanh và động tác của các nghệ nhân biểu diễn trong lễ hội cho thấy con người cần phải có ý chí và nghị lực thì mới có thể vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.

Cuối cùng là giai điệu Dệt Cửi (Quéng Lỏng Tắm Húc). Đây là nghề truyền thống của dân tộc Thái được các nghệ nhân thể hiện bằng nhạc cụ chày và đuống. Điệu Quéng Lỏng Tắm Húc nói lên sự chịu thương, chịu khó của người phụ nữ Thái trong việc quay xa dệt vải và gìn giữ tổ ấm gia đình.

Trong khi các đôi nam nữ thanh niên nô nức giã cốm thì các bà, các chị cũng khẩn trương chuẩn bị đồ xôi, nướng thịt, cá, các loại hoa quả để chuẩn bị lễ cúng Tăm Khả Mảu.

Lễ cúng Tăm Khảu Mảu, gồm có các lễ vật như: Đầu lợn và xôi, thịt nướng, cá nướng, các loại hoa quả của ngon vật lạ mà người nông dân làm ra từ chăn nuôi và sản xuất bằng bàn tay khéo léo của các bà, các chị dân tộc Thái.

Lễ hội Tăm Khảu Mảu là nét văn hóa đặc trưng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và dân tộc Thái là một bông hoa trong những vườn hoa muôn sắc ấy. Lễ hội Tăm Khảu Mảu là một hoạt động văn hóa dân gian, mang bản sắc riêng của dân tộc Thái Nghĩa Lộ nói riêng và các dân tộc tỉnh Yên Bái cần được tích cực duy trì, bảo tồn và phát huy.

Sau phần lễ cúng Tăm Khảu Mảu là phần các hoạt động văn hóa dân gian, thể dục thể thao: kéo co, đẩy gậy, ném còn, múa các điệu xòe cổ của người Thái Mường Lò.