Sau khi khẳng định là những quy luật luân lý đã được ghi sẵn trong tâm trí chúng ta (xem : Kant : Luân Lý được ghi trong chúng ta chứ không đến từ bên ngoài ), Kant phải đối đầu với vấn nạn Tự Do. Chúng ta có tự do hay không, nếu có những quy luật đã được ghi sẵn nơi mình (quy luật luân lý, như vừa nói, bên cạnh những quy định của di truyền, môi sinh, xã hội, giáo dục, tâm lý …) ? Bằng một đảo lộn lý luận ngoạn mục, cùng với hai thí dụ rực rỡ, ông chứng minh ngược lại rằng chính quy luật luân lý là nền tảng của Tự Do ! 

Vài đoạn văn hơi khó hiểu, tôi sẽ cố làm sáng tỏ trong phần chú thích. 



(…) Như thế, tự do và quy luật thực dụng vô điều kiện mang những tương quan qua lại chặt chẽ (…) Tôi tự hỏi ý thức thực dụng vô điều kiện (1) của chúng ta đến từ tự do hay từ quy luật luân lý ? Nó không thể bắt đầu bằng tự do, vì chúng ta không làm sao ý thức được sự tự do một cách trực tiếp (…), cũng không thể suy ra tự do bởi thực nghiệm, vì thực nghiệm chỉ cho chúng ta biết được những quy luật của các hiện tượng, những cơ chế của thiên nhiên, tức những điều hoàn toàn đối nghịch với tự do (2). 


Vì thế, chính quy luật luân lý, mà chúng ta ý thức được một cách trực tiếp (3) (…), phải là yếu tố đến với chúng ta đầu tiên. Thêm vào đó, vì lý trí cho biết quy luật ấy là nguồn cội của sự quy định, không lệ thuộc bất cứ điều kiện nào của cảm xúc, và, một cách rốt ráo, hoàn toàn độc lập, nên chính quy luật này mới là đầu mối dẫn đưa chúng ta đến ý niệm Tự Do. 


(…) 


Rằng đó là thứ tự ràng buộc các khái niệm mà chúng ta đang khảo sát, rằng quy luật luân lý làm hiển lộ nơi chúng ta khái niệm tự do, (…) đến từ nhận định sau :  một mặt, khi khởi đi từ khái niệm tự do, chúng ta không thể hiểu biết được bất cứ gì, trong khi sự hiểu biết cơ chế của các hiện tượng thiên nhiên luôn phải như sợi dây dẫn dắt lý trí của chúng ta. Mặt khác, khi lý trí thuần túy vận dụng chuỗi nhân duyên để vươn lên đến độ cao của những gì vô điêu kiện, thì nó lấn cấn trong những nghịch lý đối chọi hai thứ ấy, (…) cho nên chúng ta mới có thể bạo dạn đem tự do vào khoa học, trong điều kiện quy luật luân lý, và lý trí thực dụng, dẫn đưa chúng ta đến khái niệm tự do và áp đặt nó trong tâm trí chúng ta (4). 


Thật ra, thực nghiệm cũng xác nhận trình tự vừa được trình bày trong tâm trí mỗi người. Thử tưởng tượng có kẻ thích sắc dục, cho rằng mình không thể bỏ qua một cơ hội nào để có thể gần người mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu trước nơi mà cơ hội ấy dự trù được thể hiện, người ta dựng lên một pháp đài để hành quyết anh ta ngay khi anh ta vừa đạt đến tột dỉnh khoái lạc, thì thử hỏi anh ta có quyết định kềm chế thôi thúc ái dục của mình hay không ? Ai cũng có thể hình dung câu trả lời. 


Bây giờ thử hỏi anh ấy, nếu nhà vua của anh ta ép buộc anh phải làm chứng dối chống lại một người chính trực nào đó mà vị quân vương này muốn loại trừ, bất tuân cũng sẽ bị tử hình, thì, mặc dù yêu quý đời sống cách mấy đi chăng nữa, anh ta cũng sẽ hình dung được một chọn lựa chống lại yêu cầu bất chính của nhà vua. Tuy anh không dám chắc là mình sẽ chọn con đường can đảm ấy, nhưng chúng ta nhất định phải công nhận rằng đó là một điều khả hữu trong tâm trí anh. Vì anh ta PHẢI làm điều ấy, nên anh ý thức rõ ràng là mình CÓ THỂ làm điều này, và liền nhận thấy nơi mình sự TỰ DO. Tức là : nếu không có quy luật luân lý, thì sự tự do này sẽ không được anh ta ý thức. 


Kant – CRITIQUE DE LA RAISON PRATIQUE (1788) 


Nguyễn Hoài Vân phỏng dịch 


Chú thích 


1) “Ý thức thực dụng vô điều” kiện là những gì “phải” làm. Các bạn để ý : đã “phải” (vô điều kiện) thì làm sao còn tự do ? Tuy nhiên, tự do vẫn có thể là khởi điểm của ý thức “thực dụng”, một điều lập tức bị Kant  bác bỏ. 


(2) Chúng ta chỉ có thể ý thức được tự do, khi có một chọn lựa. Ý thức không thể nhận diện tự do trong hư không, một cách trực tiếp, không qua trung gian của chọn lựa. Mặt khác ý thức cũng không thể nhận diện tự do bằng thực nghiệm, vì thực nghiệm chỉ cho phép biết được (phần nào) những hiện tượng thiên nhiên, được điều hành bởi quy luật nhân quả, tức là hoàn toàn đối nghịch lại với tự do. Tức là ý thức không thể tự nó nhận ra được tự do, nên cũng không thể dùng tự do để nhận biết bất cứ chi khác, đặc biệt là quy luật luân lý. Điều này đưa Kant đến một một khẳng định ngoạn mục, rằng  chính quy luật luân lý là nền tảng đưa đến khái niệm tự do. 


(3) Vì đã được ghi sẵn nơi mình (xem
: Kant : Luân Lý được ghi trong chúng ta chứ không đến từ bên ngoài

(4) Kant phân tích nhanh các ý niệm Quy Định và Tự Do. Về tự do, thì trong chú thích 2, chúng ta đã biết tự do không cho phép hiểu biết được bất cứ gì,  trong khi hiểu biết lại là ngọn đuốc soi đường cho lý trí, nên tự do không thể là khởi điểm của lý trí. Bên cạnh đó, thuyết quy định cũng không được Kant ưu ái lắm, vì ông cho là muốn khẳng định nó, thì phải có một sự hiểu biết trọn vẹn về sự vật, một điều không thể (xem :
Kant – Ảo tưởng Hệ Thống ). Thêm vào đó, sự quy định (tức lý trí thuần túy), không thể vươn lên được tới trình độ vô điều kiện (không bị  quy định) của quy luật luân lý (cũng như tất cả các ý niệm tương tự). Vì nó “lấn cấn trong những nghịch lý” như vậy, nên bị loại khỏi vòng đua, và cho phép Kant đứng vào một lập trường “đặc biệt bạo dạn”, là  khởi đi từ quy luật luân lý vô điều kiện, để suy ra tự do. Như thế, với tính cách là một thành phần của thiên nhiên, con người bị quy định, nhưng cũng đồng thời có tự do, trong cái  vương quốc luân lý mà chính nó là nhà lập pháp. Những thí dụ cụ thể được Kant đưa ra sau đó cho thấy tự do áp đặt sự hiện diện của mình trong “lý trí thực dụng”, như trung gian không thể thiếu, giữa quy luật luân lý và hành động của con người.