Làm thế nào, bằng một lý luận kiểu “bà già đi chợ”, Kant đã làm lung lay hơn hai mươi thế kỷ tư duy ? 

§§§§§§§§§§§§
 

“Hiện hữu hoàn toàn không phải là một vị ngữ có thật (1), tức một khái niệm có khả năng tăng cường cho khái niệm về một sự kiện (…) Câu :Thượng Đế  toàn năng, bao hàm hai khái niệm là : Thượng Đế  và Toàn Năng, cùng với đối tượng của chúng (…) Nếu tôi lấy chủ thể Thượng Đế cùng với tất cả các vị ngữ của chủ thể này (trong đó có Toàn Năng), rồi cho rằng Thượng Đế hiện hữu, hay : có một Thượng Đế, thì cái khẳng định Thượng Đế hiện hữu ấy không thêm được một vị ngữ mới nào cho khái niệm Thượng Đế, mà chỉ nêu lên một chủ thể (Thượng Đế) vốn tự nó đã có tất cả các vị ngữ của nó. Chủ thể ấy cũng đồng thời là đối tượng của khái niệm Thượng Đế mà tôi đã đề ra. Cả hai đều phải có nội dung như nhau. Như thế, khi (bằng phát biểu : có điều ấy), tôi quan niệm một đối tượng hoàn toàn chính xác, thì không gì có thể được thêm vào cái khái niệm đã chỉ định đối tượng này như một điều có thể. Nói cách khác, một hiện thực không chứa đựng gì hơn cái  khả hữu tương ứng với nó. Một trăm Thalers (tiền Đức-Phổ) có thực, không thể có gì hơn một trăm Thalers khả hữu. Vì, nếu một trăm Thalers khả hữu diễn đạt một khái niệm, thì một trăm Thalers thực thụ là đối tượng của khái niệm ấy, bên cạnh vị thế tự thân của nó (2). Nếu một trăm Thalers thực thụ có gì hơn khái niệm một trăm Thalers, thì khái niệm này sẽ không phản ảnh toàn bộ đối tượng của nó, và không còn thích nghi nữa. Tuy nhiên, với một trăm Thalers thực thụ, tôi vẫn giàu có hơn là chỉ với ý niệm một trăm Thalers (khi chúng chỉ đơn thuần khả hữu) (…) 


Vậy, khi tôi quan niệm điều gì, mặc dù con số vị ngữ được hình dung về nó có lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa (giả sử toàn thể  các vị ngữ ấy được nhận diện), thì việc thêm rằng điều ấy hiện hữu, cũng không tăng cường được bất cứ gì  cho nó. Và nếu tôi quan niệm một hiện hữu như thực thể lớn lao nhất (toàn hảo, không khuyết điểm), thì tôi vẫn chưa biết được rằng nó có thực sự hiện hữu hay không (…) 


Dù cho nội dung của khái niệm về một sự kiện có bản chất và phạm vi như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải thoát ra ngoài nó, để có thể nhận ra là nó có thực hay không. Đối với những gì có thể nhận ra được bằng giác quan, thì điều này sẽ lệ thuộc vào tương quan giữa những cảm nhận ấy theo các quy luật thực nghiệm. Ngược lại, trong trường hợp những đối tượng thuộc lãnh vực tư duy thuần túy, thì chúng ta không có bất cứ phương tiện nào để biết được thực tính của chúng. 


Khái niệm một Đấng Tối Cao rất hữu ích dưới nhiều khía cạnh, nhưng, chính vì đó chỉ là một ý niệm, nên nó không thể tự một mình nó, đem lại sự giải thích cho tất cả hiện hữu (…) Tính khả hữu của những hiểu biết tổng hợp luôn phải được tìm kiếm trong thực nghiệm, tức trong một thế giới loại trừ những đối tượng của ý niệm. Vì thế ngài Leibnitz vĩ đại sẽ còn vấp phải rất nhiều khó khăn để làm được cái điều mà ngài quả quyết, là với đến hiểu biết tiên khởi về sự khả hữu của một hiện hữu lý tưởng và cao siêu như thế. 


Bằng chứng bản thể này (của Descartes) (3), với tham vọng chứng minh sự hiện hữu của một Đấng Tối Cao bằng những khái niệm, dù cho có được xông hương tán tụng cách mấy, cũng chỉ hoài công, vì người ta không giàu kiến thức hơn với những ý niệm đơn thuần, tương tự như một người bán hàng không giàu tiền hơn, nếu trong tư tưởng, ông ta viết thêm những con số không vào sổ sách của mình (…) 

Critique de la raison pure – Dialectique transcendantale, Idéal de la raison pure; Quatrième section

Nguyễn Hoài Vân phỏng dịch
07/02/2017

(1) khi nói “núi cao” thì “núi” là chủ thể và “cao” là một “vị ngữ”
(2) Nó không cần khái niệm để hiện hữu
(3) Xem :